Luật Đất đai (sửa đổi): Kỳ vọng giải quyết những vấn đề tồn đọng để doanh nghiệp phát triển
(TN&MT) - Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận và ấn nút thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Nhiều doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) kỳ vọng dự án Luật Đất đai mới này sớm được thông qua sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án của các DN BĐS, đặc biệt là trong việc cấp "sổ đỏ", “sổ hồng”. Liên quan đến vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Thành - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home).
PV: DN BĐS khi triển khai thực hiện dự án BĐS cũng như triển khai thực hiện các thủ tục pháp lý dự án có liên quan đến lĩnh vực đất đai thì thường gặp phải những khó khăn, vướng mắc nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Duy Thành:
Để thực hiện một dự án BĐS, DN BĐS phải hoàn tất rất nhiều thủ tục pháp lý có liên quan đến lĩnh vực đất đai. Tuy nhiên, trong thời gian qua, DN gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý do những bất cập của Luật Đất đai 2013 và nhiều Luật khác. Các khó khăn, vướng mắc này liên quan đến đến pháp luật đất đai như: xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất…, đặc biệt là việc xác định đâu là giá đất "thị trường", chiếm trên 50% vướng mắc của các dự án BĐS.
Điển hình như việc chuyển nhượng dự án, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chỉ cần có quyết định giao đất, cho thuê đất, hoàn thành nghĩa vụ tài chính là được chuyển nhượng dự án. Trong khi đó, Luật Đất đai quy định phải có "sổ đỏ", "sổ hồng" thì mới được chuyển nhượng dự án. Tương tự, quy trình thủ tục cấp "sổ hồng" cho căn hộ condotel, officetel, BĐS du lịch..., mặc dù đã có Nghị định hướng dẫn thực hiện, nhưng do đây chưa phải là Luật nên nhiều địa phương chưa dám cấp "sổ hồng" cho khách hàng.
PV: Sắp tới, Quốc hội sẽ thảo luận và ấn nút thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Với việc thông qua dự án Luật Đất đai mới này, ông có kỳ vọng thế nào trong việc gỡ vướng các chính sách giúp DN BĐS phát triển?
Ông Nguyễn Duy Thành:
Sắp tới đây, khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ khắc phục được các vấn đề bất cập, hạn chế; đồng thời, giải quyết được những vướng mắc, khó khăn về phía cộng đồng DN. Qua đó, DN BĐS mong muốn có sự ổn định, thông suốt trên mọi lĩnh vực, tránh trường hợp Luật bị tắc nghẽn ở một số lĩnh vực khác có liên quan.
Thực tế thời gian qua, Luật Đất đai khi ban hành thường có thời gian khá là ngắn khoảng 10 năm, cụ thể như Luật Đất đai 1993, Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 và sắp tới đây là Luật Đất đai 2023. Tôi cũng mong rằng, với tình hình đổi mới của đất nước và sự phát triển của xã hội thì Luật Đất đai (sửa đổi) phải có tầm nhìn xa hơn. Đồng thời, Luật Đất đai mới này cũng sẽ tháo gỡ một cách cụ thể vấn đề liên quan đến việc xác định thuế đất, thuế BĐS.
Thực tế thời gian qua, nhiều chủ đầu tư khi triển khai dự án và thực hiện nghĩa vụ về tài chính về thuế đất đã gặp khó khăn khi không có một khung giá đất cụ thể tham chiếu. Nhiều chủ đầu tư muốn thực hiện nghĩa vụ thuế BĐS để tiến hành xin cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” cho người dân, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có quy định cụ thể để chủ đầu tư đóng thuế chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án. Từ đó dẫn đến việc cấp sổ “sổ đỏ”, “sổ hồng” chậm, đây là nguyên nhân khách quan chứ không phải do chủ đầu tư.
Hay trong một số dự án BĐS đang triển khai, có nhiều trường hợp rơi vào đất xen kẽ, đất xen canh, hay lọt thỏm trong một số dự án có những thửa đất nhỏ thuộc đất công thì phải cần thông qua đấu giá..., những trường hợp này sẽ dẫn đến sự ách tắc về pháp lý, ách tắc về tiến độ triển khai dự án. Mong rằng Luật Đất đai mới sớm được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết những vấn đề tồn đọng để DN thuận lợi hơn trong việc thực hiện dự án và đẩy nhanh tiến độ cấp “sổ đỏ”, “sổ hồng” cho các dự án BĐS đang bị "neo" khá lâu mà chưa được cấp cho người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!