Không tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu này khi dẫn đầu Đoàn công tác nhóm 3 của Ban Chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam làm việc với Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH, sáng 13/10.
Thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội
Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, sau 40 năm đổi mới, các chính sách xã hội không ngừng được hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng, mức hỗ trợ và mở rộng diện bao phủ theo hướng công bằng, tiến bộ, tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, cơ bản bảo đảm an sinh của người dân theo quy định của Hiến pháp.
Thực hiện tốt chính sách ưu đãi và tôn vinh đối với người có công. Thể chế thị trường lao động từng bước được hoàn thiện. Việc làm cho người lao động cơ bản được bảo đảm. Hệ thống y tế, giáo dục, an sinh và trợ giúp xã hội tiếp tục được kiện toàn và mở rộng. Quy mô, năng lực, chất lượng dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu được nâng lên. Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân ngày càng được cải thiện. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội được Nhà nước ưu tiên đầu tư, gắn với đẩy mạnh xã hội hoá, thu hút sự tham gia của toàn xã hội...
Theo TS. Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, việc vận hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là lời giải cho những thành tựu trong chính sách xã hội của Việt Nam thời gian qua. Vì vậy, kinh tế và chính sách xã hội cần bước cùng nhau. Kinh tế tăng trưởng có thêm nguồn lực cho chính sách xã hội, ngược lại, chính sách xã hội tốt sẽ góp phần phát triển kinh tế bền vững.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, qua 40 năm đổi mới, Đảng có những bước thay đổi căn bản về nhận thức đối với vấn đề xã hội và chính sách xã hội. Đó là kết hợp hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Chính sách xã hội từng bước chuyển từ bảo đảm an sinh cho đối tượng khó khăn, yếu thế sang thực hiện phúc lợi xã hội để mở rộng đối tượng được thụ hưởng thành quả chung của xã hội.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện chính sách xã hội vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém, và nhìn chung chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Thị trường lao động chậm phát triển, chất lượng nguồn nhân lực và việc làm thấp. Tỉ lệ bao phủ của bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp còn thấp. Độ bao phủ của chính sách trợ giúp xã hội thường xuyên còn hẹp, mức chuẩn trợ cấp thấp. Chất lượng dịch vụ xã hội chưa đáp ứng được các yêu cầu về đổi mới theo hướng chuyên nghiệp hóa, chưa quản lý theo trường hợp và chăm sóc, trợ giúp đối tượng tại gia đình, cộng đồng.
Kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao, chênh lệch giàu nghèo còn lớn. Bất bình đẳng xã hội có xu hướng gia tăng, nhất là về cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư còn lớn. Năng lực và nguồn lực bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khi hậu còn hạn chế.
Chính sách xã hội thiếu tính bao trùm, liên kết trong hỗ trợ đối tượng và chưa bao phủ hết đối tượng, chưa có sự tương trợ, kết nối của các trụ cột chính sách trong tổ chức thực hiện.
Phương thức quản lý, quản trị nhà nước trong lĩnh vực xã hội còn chậm đổi mới, chưa hiện đại, chưa bảo đảm tính liên thông, linh hoạt và kịp thời. Tổ chức bộ máy, nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu. Nguồn lực thực hiện chính sách xã hội có nơi, có lĩnh vực hiệu quả chưa cao, phụ thuộc nhiều vào ngân sách Nhà nước. Chưa phân định rõ vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước, trách nhiệm của xã hội và sự tham gia của người dân.
Hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bình đẳng, công bằng xã hội
Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết, tình hình kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế trong những năm tới đặt ra cho công tác chính sách xã hội rất nhiều thách thức.
Tăng trưởng của kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trên diện rộng. Các nền kinh tế tái cấu trúc và điều chỉnh với sự phát triển của kinh tế tri thức. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh, tác động mạnh mẽ, sâu rộng, đa chiều đến mọi quốc gia. Kinh tế số sẽ làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước và doanh nghiệp, mô hình sản xuất kinh doanh, mô hình việc làm, mô hình an sinh xã hội, mô hình tiêu dùng và nhiều mặt đời sống xã hội.
Đảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và bình đẳng, công bằng xã hội đã trở thành xu thế chung của toàn thế giới.
Tại Việt Nam, quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước, đô thị hóa, chiến lược tăng trưởng xanh... sẽ có tác động tích cực trong dài hạn, song trong ngắn hạn sẽ có tác động bất lợi, ảnh hưởng đến sinh kế của người dân, đặc biệt là người nghèo và lao động kỹ năng thấp, chưa qua đào tạo... dẫn đến yêu cầu đầu tư để tái phân bố lao động và các giải pháp an sinh xã hội cho những người bị tác động. Đồng thời, đặt ra không ít vấn đề xã hội khác, như nhà ở, ô nhiễm môi trường, quá tải hạ tầng, tình trạng thất nghiệp, phân hoá giàu nghèo, rủi ro và xung đột lao động, xung đột xã hội…
Sự gia tăng tầng lớp trung lưu, tốc độ già hóa dân số nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội, hệ thống chăm sóc xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế do suy giảm lực lượng lao động và năng suất lao động, áp lực giải quyết việc làm thỏa đáng cho người cao tuổi có nhu cầu đang tăng nhanh. Vấn đề thay đổi kết cấu ngành nghề trong nền kinh tế cũng đặt ra yêu cầu về đào tạo, đào tạo lại... đều cần có chính sách xã hội và quản lý phát triển xã hội phù hợp.
Biến đổi khí hậu đang làm giảm hoặc mất đi các nguồn lực, điều kiện để phát triển bình thường; là nguyên nhân gia tăng xung đột xã hội, thúc đẩy biến đổi xã hội theo chiều hướng tiêu cực, gia tăng nhiều vấn đề xã hội... rất cần tăng cường quản lý phát triển xã hội theo hướng đa tầng, bao trùm, hiệu quả để bảo đảm quyền an sinh cho người dân.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới, các vấn đề đặt ra đối với chính sách xã hội là giữ vai trò chủ đạo của Nhà nước trong thực hiện chính sách an sinh, đồng thời đa dạng hoá sự tham gia của xã hội; xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa tầng, toàn diện, phổ cập và hiện đại; phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững là nền tảng giải quyết các vấn đề xã hội và con người; phát triển dịch vụ xã hội…
Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy lựa chọn mô hình kinh tế
Đánh giá cao sự chuẩn bị nghiêm túc của Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH tiếp tục phân tích thực tiễn, rút ra những vấn đề lý luận theo tư tưởng, quan điểm, mục tiêu của Đảng về mô hình phát triển, thể chế chính trị, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong từng giai đoạn phát triển. Từ đó xác định những vấn đề ưu tiên giữa phát triển kinh tế với thực hiện các chính sách xã hội trong giai đoạn sắp tới.
Trong đó, cần quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng là chính sách xã hội thể hiện đặc trưng, bản chất tốt đẹp của chế độ, góp phần quan trọng trong bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện tăng trưởng kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội, an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần; bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho nhân dân; tạo điều kiện để nhân dân tham gia và thụ hưởng ngày một tốt hơn thành quả của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Nhấn mạnh yêu cầu không thể tách rời vấn đề xã hội và phát triển kinh tế, Phó Thủ tướng cho rằng cần làm rõ mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa, rút ra bài học kinh nghiệm trong khắc phục, điều tiết mặt trái của kinh tế thị trường bằng các công cụ, chính sách xã hội rõ ràng, cụ thể.
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Cán sự Đảng Bộ LĐTB&XH làm rõ hơn nội hàm khái niệm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, tham khảo kinh nghiệm vận hành mô hình đang vận hành trong nền kinh tế thị trường, vai trò của nhà nước, sự tham gia của tư nhân.
"Vấn đề xã hội phải nằm trong tư duy phát triển, lựa chọn mô hình kinh tế. Các mục tiêu xã hội hiện nay chỉ đạt được khi chúng ta có mô hình kinh tế bền vững hơn như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tri thức,… thay thế mô hình phát triển dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên", Phó Thủ tướng trao đổi.