Giải quyết thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực sông Hương
(TN&MT)- Sáng 13/10, tại Hà Nội, thừa Ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh đã chủ trì cuộc họp Hội đồng thẩm định liên ngành Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng là các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực tài nguyên nước; lãnh đạo Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện các Bộ, ngành có liên quan.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Trần Văn Trà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước – Đơn vị chủ trì xây dựng dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương cho biết, việc xây dựng Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch và Luật Tài nguyên nước, góp phần giải quyết những thách thức về tài nguyên nước trên lưu vực sông.
Theo đó, về phạm vi lập quy hoạch gồm: toàn bộ diện tích lưu vực sông Hương, và các lưu vực lân cận gồm: lưu vực sông Ô Lâu, vùng cát ven biển Phong - Quảng Điền, lưu vực sông Nông, sông Truồi, sông Bù Lu, lưu vực sông A Sáp. Phạm vi địa giới hành chính của quy hoạch gồm: 9 huyện, thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Trà, A Lưới, Nam Đông, Hương Thủy, Phú Lộc, thành phố Huế và huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng.
Dự thảo Quy hoạch hướng tới mục tiêu đến năm 2030 tích trữ, điều hòa, phân bổ nguồn nước bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các địa phương, các đối tượng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực; khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nhằm nâng cao giá trị kinh tế của nguồn nước, bảo đảm an ninh nguồn nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và phù hợp với hợp tác song phương mà Việt Nam đã tham gia.
Bảo vệ nguồn nước mặt, nước dưới đất, bảo vệ chức năng nguồn nước, hành lang bảo vệ nguồn nước, nguồn sinh thủy, các nguồn nước có chức năng điều hòa (sông, hồ, ao,…), các nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học, lịch sử, văn hóa nhằm từng bước bảo đảm số lượng, chất lượng nước đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Tầm nhìn đến năm 2050, dự thảo Quy hoạch hướng tới phục hồi các khu vực bị suy giảm mực nước dưới đất quá mức, các dòng sông bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nghiêm trọng trên lưu vực sông; kết hợp phòng, chống sạt, lở bờ sông có hiệu quả, kiểm soát được cao độ đáy sông, hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông; bố trí lại dân cư ven sông và các biện pháp khác để từng bước nâng cao giá trị cảnh quan ven sông.
Đồng thời, bổ sung và nâng cao một số chỉ tiêu của quy hoạch, quản lý tổng hợp tài nguyên nước phù hợp với giai đoạn phát triển của quốc gia, ngang bằng với các quốc gia phát triển trong khu vực; bảo đảm an ninh tài nguyên nước, nâng cao giá trị của nước phù hợp với xu hướng phát triển chung của thế giới.
Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các thành viên Hội đồng đã phát biểu, góp ý chi tiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, hồ sơ sản phẩm của Quy hoạch.
Góp ý vào dự thảo Quy hoạch, ông Nguyễn Minh Khuyến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Ủy viên Phản biện cho rằng, dự thảo Quy hoạch đã đưa ra những thách thức về phân bổ mưa, biến đổi khí hậu, hạn hán, ngập lụt, ô nhiễm. Tuy nhiên cần xem xét bổ sung thách thức về sạt lở bờ sông bãi sông, sạt lở đất, xâm nhập mặn; điều tiết nước, dung tích phòng lũ, trữ nước, suy giảm chất lượng rừng, tỷ lệ che phủ rừng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Minh Khuyến, Dự thảo Quy hoạch phân chia vùng quy hoạch trên các tiêu chí về tương đồng đặc điểm nguồn nước, khai thác sử dụng, hướng tới mục đích điều hòa phân bổ, bảo vệ, khắc phục tác hại do nước gây ra, phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn là phù hợp. Tuy nhiên, kết quả phân chia thành 13 tiểu vùng quy hoạch nhưng thực chất là 13 vùng quy hoạch thủy lợi, vì vậy cơ quan chủ trì xây dựng Quy hoạch cần phải xem xét lại cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung dự báo nhu cầu sử dụng nước và ước tính lượng nước thải do các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch gây ra tác động đến chất lượng nước của lưu vực sông Hương; bổ sung giải pháp bảo vệ chất lượng nước, môi trường các điểm du lịch, di tích danh lam thắng cảnh làm cơ sở cho việc dự báo số lượng khách du lịch, các hoạt động phát triển du lịch và phát triển hệ thống cơ sở lưu trú trên lưu vực sông Hương và các khu vực lân cận.
Cùng với đó, cơ quan chủ trì xây dựng dự thảo cũng cần xác định các đoạn sông cần bảo vệ không gian, cảnh quan, trong đó đặc biệt lưu ý tới khu vực Cố Đô Huế để có những giải pháp bỏ vệ và phát huy giá trị cảnh quan di tích tại khu vực này.
Đi vào nội dung cụ thể, các thành viên Hội đồng, đại diện Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế - địa phương có địa phận sông Hương chảy qua cũng đề nghị đơn vị chủ trì lập Quy hoạch bổ sung, làm rõ một số nội dung liên quan tới đánh giá hiện trạng và dự báo xu thế biến động tài nguyên nước; đánh giá hiện trạng khai thác sử dụng nước, dự áo nhu cầu nước và phân vùng chức năng nguồn nước; bảo vệ tài nguyên nước và phòng chống tác hại do nước gây ra; xác định hệ thống giám sát tài nguyên nước, khai thác, sử dụng nước, chất lượng nước và xả nước thải vào nguồn nước; …
Hội đồng cũng nhất trí thông qua dự thảo Quy hoạch sau khi đơn vị thực hiện tiếp thu, chỉnh sửa các góp ý của các thành viên hội đồng trước khi trình phê duyệt.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, Phó Chủ tịch Hội đồng ghi nhận và đánh giá cao những ý kiến góp ý chi tiết, mang tính chất xây dựng cho bản Quy hoạch của các thành viên Hội đồng tại cuộc họp.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng, Cục trưởng Châu Trần Vĩnh đề nghị đơn vị thực hiện nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý, tiếp tục hoàn thiện bản Quy hoạch đảm bảo chất lượng và tiến độ trước khi trình lãnh đạo Bộ TN&MT trình Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Đồng tình với ý kiến góp ý của đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quản lý tài nguyên nước phải xem xét các yếu tố trên sông, đặc biệt là sông Hương là dòng sông gắn liền với văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và lịch sử. Vì vậy, dự thảo Quy hoạch cần tiếp cận theo hướng nâng tầm giá trị dòng sông để đề xuất, đưa ra được giải pháp nêu bật được thế mạnh, giá trị di sản của dòng sông.