Sở TN&MT An Giang: Tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm 2023
(TN&MT) - Sở TN&MT tỉnh An Giang hiện đang tập trung triển khai các giải pháp để thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao trong năm 2023, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang. Để hiều rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Võ Hùng Dũng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang.
PV: Ông có thể cho biết những kết quả nổi bật trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian vừa qua?
Ông Võ Hùng Dũng:
Từ đầu năm 2023 đến nay, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, cùng sự phối hợp của các cấp ủy, chính quyền địa phương và các sở, ban, ngành có liên quan, Ngành TN&MT tỉnh An Giang đã triển khai thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Cụ thể, trong năm 2023, UBND tỉnh An Giang giao cho Sở TN&MT thực hiện 07 chỉ tiêu, nhiệm vụ để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang, đến nay có 06/07 chỉ tiêu, nhiệm vụ đã thực hiện đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Đối với 106 đầu nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, Sở TN&MT tỉnh An Giang đã giao cho các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT, đến nay đa số các đầu nhiệm vụ đều đã thực hiện đạt theo tiến độ đề ra.
Sở TN&MT cũng đã kịp thời tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh An Giang phê duyệt bổ sung danh mục dự án cần thu hồi đất, dự án có sử dụng đất trồng lúa năm 2023; kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2023; ủy quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; phân cấp chức năng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Văn phòng Đăng ký đất đai và các chi nhánh; tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đồng thời, Sở TN&MT đã đưa vào sử dụng dự án tăng cường cơ sở dữ liệu đất đai (Dự án VILG), góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và khai thác đất đai, tạo nguồn lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh An Giang phát triển.
Sở TN&MT còn triển khai kịp thời các thủ tục đánh giá tác động môi trường các dự án theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020; tổ chức thẩm định kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của cấp huyện và các cơ sở kinh doanh xăng dầu; duy trì tỷ lệ thu gom và xử lý rác sinh hoạt đạt trên 77%; đưa vào vận hành các trạm quan trắc môi trường nước mặt và không khí; ban hành quy chế quản lý, vận hành các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý nguồn nước mặt, nước dưới đất, xả thải, đảm bảo chất lượng nguồn nước để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, thường xuyên quan trắc, cảnh báo tình trạng sạt lở bờ sông; thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ động thích ứng với biến dổi khí hậu theo Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh.
PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, ông có thể chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua?
Ông Võ Hùng Dũng:
Nhìn chung, các chỉ tiêu, nhiệm vụ Bộ TN&MT, UBND tỉnh An Giang giao đều được Sở TN&MT triển khai thực hiện đạt kết quả rất tích cực. Song, bên cạnh những kết quả đạt được công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh cũng còn một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến số lượng thủ tục hành chính đất đai cấp huyện tăng nhiều; phần mềm VBDLIS mới đưa vào vận hành nên cán bộ còn nhiều lúng túng, từ đó phát sinh hồ sơ trễ hạn; các công trình đo đạc, lập bản đồ địa chính và đăng ký cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp còn chậm; việc triển khai dự án đóng cửa, xử lý ô nhiễm các bãi rác sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn và phương thức thực hiện; công tác lập dự án mời gọi đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn vẫn còn nhiều hạn chế trong quá trình lựa chọn công nghệ xử lý.
Hiện, tình hình sạt lở bờ sông có chiều hướng gia tăng về tốc độ, số lượng, ảnh hưởng đến nhiều công trình của tỉnh và đời sống của người dân; vấn đề khan hiếm cát xây dựng và giá cát có xu hướng tăng đã làm ảnh hưởng, tác động đến tình hình kinh tế - xã hội của địa phương; việc chuẩn bị nguồn cát phục vụ các công trình trọng điểm, đầu tư công của tỉnh và các dự án cao tốc thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hiện còn nhiều vấn đề tồn tại do các khu mỏ đang tạm ngưng hoạt động.
PV: Mới đây đã xảy ra một số vụ việc ngoài ý muốn phần nào ảnh hưởng đến các hoạt động của Sở TN&MT. Vậy, để tiến tới hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023, Sở TN&MT tỉnh An Giang sẽ tập trung thực hiện các giải pháp nào, thưa ông?
Ông Võ Hùng Dũng:
Những vấn đề xảy ra thời gian qua ít nhiều cũng ảnh hưởng đến tâm lý cán bộ, công chức cũng như việc thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch mà Sở TN&MT đã đề ra từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, đặc biệt là Bí thư Tỉnh ủy, đã kịp thời kiện toàn chức danh Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang để ổn định tư tưởng và hoạt động của Sở TN&MT. Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh An Giang đã bắt tay ngay việc ổn định tư tưởng cán bộ, công chức của ngành và kiện toàn một số chức danh cấp phòng, đơn vị liên quan, giúp các phòng, đơn vị thuộc Sở TN&MT ổn định và hoạt động trở lại bình thường. Đến nay, các hoạt động của Sở TN&MT đã cơ bản ổn định và đang tập trung triển khai các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Về một số nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Sở TN&MT tỉnh An Giang sẽ tiếp tục tập trung tham mưu xây dựng trình ban hành kịp thời các văn bản pháp luật chuyên ngành theo thẩm quyền cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai, giá đất, môi trường... để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, kéo giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hẹn cho người dân và doanh nghiệp; đồng thời, Sở TN&MT cũng sẽ tập trung triển khai khắc phục những tồn tại liên quan lĩnh vực ngành theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ; rà soát, báo cáo và đề xuất cân đối lại nguồn cát phục vụ cho các công trình trọng điểm trong tỉnh An Giang và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, quy hoạch về quản lý tài nguyên và môi trường; triển khai hiệu quả các phương án lĩnh vực ngành TN&MT được tích hợp quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2030; triển khai hiệu quả Luật Đất đai sửa đổi, làm tiền đề, cơ chế để đưa đất đai trở thành nguồn lực phát triển; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường đồng bộ, thống nhất; đẩy mạnh thanh toán dịch vụ công trực tuyến; triển khai các giải pháp thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 về ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tỉnh An Giang cũng sẽ tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; thực hiện điều chuyển, luân chuyển cán bộ để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các cán bộ để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nếu phát hiện có biểu hiện hoặc có hành vi sai trái ảnh hưởng đến công tác phục vụ người dân, doanh nghiệp, công tác cải thủ tục cách hành chính của tỉnh An Giang.
Để giúp tỉnh An Giang nói chung, Sở TN&MT nói riêng hoàn thành các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch năm 2023 và những nhiệm vụ lâu dài, Sở TN&MT tỉnh An Giang mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ và Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm điều chỉnh cơ chế chính sách, quy định pháp luật về đất đai đồng bộ với các Luật khác nhằm giải quyết khó khăn trong thu hút đầu tư để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát huy nguồn lực từ đất đai cho phát triển.
Đồng thời, ban hành Bộ tiêu chí phân loại dự án, nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris, giảm phát thải khí nhà kính để áp dụng cơ chế đặc thù riêng; có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ sức hấp dẫn, giảm thiểu rủi ro thu hút và thuyết phục nhà đầu tư, nguồn lực xã hội cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện Thỏa thuận Paris trên địa bàn tỉnh; tiếp tục hỗ trợ kinh phí để tỉnh An Giang thực hiện dự án xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng các bãi rác cấp huyện cũng như xây dựng trạm quan trắc nước mặt, không khí liên tục tự động...
PV: Trân trọng cảm ơn ông!