Xã hội

Gia Lai: Giữ rừng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Quế Mai 27/08/2021 14:53

(TN&MT) - Bằng việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), nhiều hộ gia đình, cộng đồng dân cư ở các thôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Gia Lai đã tích cực tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Nhờ đó, độ che phủ rừng trên toàn tỉnh ngày càng tăng, góp phần không nhỏ trong việc chống xói mòn và suy thoái đất.

Mất rừng gây thoái hóa đất

Thống kê đến cuối năm 2020, tỉnh Gia Lai có gần 1,4 triệu ha đất nông nghiệp, chiếm 89,6% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó, có hơn 1,1 triệu ha đã bị thoái hóa (hơn 322.000 ha thoái hóa nặng, hơn 533.000 ha thoái hóa trung bình và gần 328.000 ha thoái hóa nhẹ).

a1.-nguoi-dan-nhan-khoan.jpg
Người dân nhận khoán bảo vệ rừng đi tuần tra, kiểm soát rừng

Diện tích đất bị thoái hóa chủ yếu nằm tại khu vực nông thôn và miền núi của tỉnh Gia Lai. Đó là những diện tích đất đã canh tác lâu năm nhưng không có biện pháp phục hồi, cải tạo đất. Mặt khác, do tập quán canh tác lạc hậu của đồng bào DTTS như: canh tác trên đất dốc nhưng không có biện pháp chống xói mòn; cơi nới ruộng rẫy bằng việc chặt, đốt, lấn chiếm đất rừng…

Là tỉnh có diện tích rừng lớn thứ 4 cả nước và lớn thứ nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên, tuy nhiên, trên thực tế, diện tích rừng ở Gia Lai đang ngày càng bị suy giảm; tỷ lệ che phủ rừng đứng thứ 3 trong các tỉnh Tây Nguyên và thấp hơn bình quân chung của toàn vùng; tình trạng lấn chiếm và phá rừng vẫn diễn ra. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến diện tích đất bị thoái hóa tại tỉnh ngày càng cao.

Do đó, công tác bảo vệ và phát triển rừngđể tăng độ che phủ rừng đã được các cơ quan chức năng của tỉnh gia Lai xác định là việc làm rất quan trọng để quản lý nguồn nước, tăng nguồn nước ngầm, hạn chế sự thoát hơi nước, giữ độ ẩm cho đất. Từ đó, bảo vệ được hệ sinh thái đất, chống xói mòn, suy thoái và thoái hóa đất hiệu quả.

Giữ rừng để bảo vệ đất

Việc bảo vệ và phát triển rừng tại Gia Lai nhiều năm trở lại đây thường hướng đến các đối tượng sống gần rừng, chủ yếu là người đồng bào DTTS ở các địa phương của tỉnh. Cùng với việc thực thi chính sách chi trả DVMTR đã góp phần quan trọng trong việc huy động một lực lượng lớn, thường xuyên và liên tục tham gia công tác bảo vệ và trồng rừng.

a2.-rung-thong-duoc-trong.jpg
Rừng thông được trồng trên diện tích đất bạc màu, bazan hóa

Tham gia quản lý, bảo vệ rừng từ hơn 10 năm nay, ông Puih Nhen - Bí thư Chi bộ làng Bẹk (xã Ia Bă, huyện Ia Grai, Gia Lai) cho biết, cộng đồng làng Bẹk nhận khoán bảo vệ hơn 1.223 ha rừng từ Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Bắc Ia Grai. Ban đầu, người dân còn không mặn mà, nhưng sau nhiều năm được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, người dân dần thay đổi, ý thức bảo vệ rừng cao hơn.

Ông Puih Ty - Trưởng thôn làng Bẹk chia sẻ: “Mấy năm nay, dân làng không còn đốt rừng làm rẫy nữa. Dân chỉ cần nghe tiếng máy cưa trên rừng là báo ngay cho chính quyền địa phương và BQL rừng để kiểm tra, xử lý. Có rừng không khí mát mẻ, trong lành, nước không bị cạn kiệt như trước, đất rẫy không bị xói mòn. Dân làng bây giờ tích cực bảo vệ rừng để giữ nước và chống xói mòn”.

Theo ông Nguyễn Trường Hải - Giám đốc BQL rừng phòng hộ Bắc Ia Grai (tỉnh Gia Lai), khu vực rừng do đơn vị quản lý có địa hình đồi dốc, dễ bị xói mòn, sạt lở đất; nhiều khu vực đồi trọc, đất bị bazan hóa, cằn cỗi, cây trồng khó phát triển với diện tích trên 2.118 ha. “Do diện tích đất trống lớn nên thường bị sạt lở, xói mòn đất, BQL đã tiến hành khoanh nuôi để tái sinh rừng, giao đất cho người dân trồng rừng sản xuất. Đến nay, đã trồng hơn 1.200 ha rừng trên diện tích đất bị thoái hóa. Năm 2021, diện tích rừng này sẽ tăng thêm 152,69 ha. Diện tích rừng tăng và rừng được bảo vệ, phát triển tốt đã làm giảm rất nhiều tình trạng suy thoái và xói mòn đất” - ông Hải cho biết thêm.

Đến đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã trồng 26.937 ha rừng, trong đó có 22.672 ha rừng tập trung và 4.265 ha trồng cây phân tán; khoanh nuôi tái sinh 1.300 ha; tổ chức 1.366 đợt tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng - chống cháy rừng với 95.000 lượt người tham gia; ký cam kết An toàn lửa rừng trên 80.000 cá nhân, hộ gia đình sống trong rừng, ven rừng…

Quế Mai