Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)
(TN&MT) – Sáng 26/5, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.
Đảm bảo cân bằng quyền lợi giữa các bên kinh doanh với người tiêu dùng
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết về khái niệm người tiêu dùng, có 02 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng; đồng thời bổ sung thuật ngữ “tiêu dùng bền vững”.
Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 36 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.
Bổ sung nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”. Dự thảo Luật quy định nghĩa vụ kiểm tra hàng hóa được thực hiện theo quy định của pháp luật, không áp dụng bắt buộc đối với tất cả sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định việc tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có các trách nhiệm chung; quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số (bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung và giải pháp để bảo vệ tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng như quy định về trách nhiệm chung của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng; xác thực danh tính tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số… Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.
Về hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức xã hội, dự thảo Luật đã có nhiều quy định để tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia thực hiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó có Hội bảo vệ người tiêu dùng) như đại diện người tiêu dùng khởi kiện khi có yêu cầu và ủy quyền hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì lợi ích công cộng… Đồng thời, dự thảo Luật đã quy định cụ thể các hoạt động của Hội khi tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và phân loại rõ các loại hình tổ chức xã hội để có căn cứ thực hiện việc Nhà nước giao nhiệm vụ, hỗ trợ kinh phí và các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn phương án quy định rõ về việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, dự thảo Luật chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ một số điều kiện cụ thể được quy định trong dự thảo Luật.
Ngoài ra, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện các quy định nhằm đảm bảo cân bằng quyền lợi của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng.
Cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn ĐBQH Bắc Kạn) đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật cũng đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị.
Về các nội dung cụ thể, tại Điều 31 dự thảo quy định là tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Đại biểu đề nghị cân nhắc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tất cả các tổ chức kinh tế, các cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Đại biểu đề nghị việc quy định bắt buộc phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng chỉ nên áp dụng đối với những cái doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng.
Về các trường hợp bán hàng phải thông báo với UBND cấp xã, tại Điều 47 dự thảo quy định trong trường hợp bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên, có ít nhất một sản phẩm, hàng hóa có giá từ 100.000 đồng trở lên hoặc là tổng giá trị hàng hóa từ 10.000.000 đồng trở lên phải thông báo với UBND dân cấp xã và UBND cấp xã có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra. Đại biểu kiến nghị đối với mức tiền cụ thể Điều 47 này nên giao cho Chính phủ hướng dẫn để phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn.
Đối với việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án, Điều 70 dự thảo quy định: một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng, tức là từ 101.000.000 trở lên thì sẽ không được áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án là không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Giải thích rõ quy định về nghĩa vụ người tiêu dùng cần tuân thủ
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Dũng – (Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) góp ý vào Điều 5 về nghĩa vụ người tiêu dùng, đề nghị Ban soạn thảo cần thống nhất cách hiểu nguồn gốc xuất xứ rõ ràng là gì, giải thích thêm quy định này để rõ nghĩa vụ cần tuân thủ của người tiêu dùng.
Về Điều 8 bảo vệ QLNTD dễ bị tổn thương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị quy định vào khoản 2 Điều này việc người tiêu dùng đưa ra giấy tờ ngay tại Điểm a việc người tiêu dùng phải đưa ra tài liệu, giấy tờ xác định mình là người tiêu dùng dễ bị tổn thương để tổ chức, cá nhân kinh doanh biết trước khi tham gia giao dịch, sử dụng sản phẩm văn hóa, dịch vụ.
Về Điều 30 bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện, đại biểu đề nghị cần xác định cụ thể điểm bắt đầu vận chuyển hàng hóa từ đâu đến nơi bảo hành, không nên quy định chung chung, không có điểm bắt đầu. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ không phát huy được tác dụng khi việc bảo hành không thuộc trường hợp bắt buộc bảo hành theo quy định của pháp luật. Do đó, đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh phải chịu chi phí vận chuyển khi bảo hành sản phẩm, hàng hóa, linh kiện, phụ kiện cho phù hợp với năng lực, quy mô của tổ chức, cá nhân kinh doanh.