Hỗ trợ đồng bào dân tộc ứng dụng khoa học và công nghệ
(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt “Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2025”.
Mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn 2016 - 2020 xây dựng được ít nhất 1.200 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, có quy mô phù hợp với vùng sinh thái của từng địa bàn nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số, trong đó, có ít nhất 30% các mô hình thực hiện ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng khoa học và công nghệ theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân; chuyển giao được ít nhất 1.500 lượt công nghệ mới, tiên tiến phù hợp với từng vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý và tổ chức triển khai dự án, năng lực ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho ít nhất 1.500 cán bộ quản lý và 2.500 kỹ thuật viên cơ sở ở địa phương, 80.000 lượt nông dân để có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, quản lý thường xuyên bám sát địa bàn giúp nông dân tiếp tục mở rộng việc áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được chuyển giao.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, các tỉnh phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ phục vụ phát triển nông thôn, miền núi, vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được hình thành từ Chương trình.
Để đạt được các mục tiêu trên, các tỉnh cần tích cực xây dựng mô hình sản xuất liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp. Chương trình sẽ ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ thông qua các mô hình cụ thể phù hợp với từng vùng nông thôn, miền núi, dân tộc thiểu số. Đồng thời, tiến hành đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ cán bộ phục vụ hoạt động ứng dụng, chuyển giao khoa học và công nghệ tại các vùng nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; xây dựng tài liệu, dữ liệu về các tiến bộ khoa học công nghệ, thực hiện các hoạt động truyền thông phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ.
Ngoài ra, để giúp đồng bào dân tộc miền núi có cuộc sống ổn định, cần có nhiều chương trình chính sách hỗ trợ đồng bào phát huy những nguồn lực, thế mạnh của từng địa phương.
Đồng bào vùng cao, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục có những cơ chế, chính sách phát triển nông, lâm nghiệp và các chính sách liên vùng. Bà con dân tộc thiểu số cần được giúp đỡ, tư vấn về việc lựa chọn cây con sản xuất có ưu thế để có thể hình thành vùng hàng hóa tập trung, phát huy được tối đa thế mạnh của từng vùng. Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, cơ quan khuyến nông của Bộ, ngành, tỉnh, huyện nên quan tâm giúp đỡ trực tiếp cho người dân bằng cách xây dựng và thực hiện các mô hình liên kết nông nghiệp, vườn - ao - chuồng - rừng phát huy lợi thế tại chỗ. Người dân cần được đào tạo xây dựng nghề rừng để có thể từng bước quản lý rừng, được hưởng lợi và từng bước thoát nghèo trên chính mảnh đất ông cha để lại.