Đổi thay ở vùng đồng bào Cơ Ho dưới chân núi Langbiang

Xã hội - Ngày đăng : 15:08, 29/05/2015

(TN&MT) - Cuộc sống của những người Cơ Ho sống dưới chân núi mẹ Langbiang, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) đã “lột xác" hoàn toàn, khoác áo mới đầy ấm no. Nhìn những căn nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, vườn cà phê, hoa, rau... xanh mơn mởn mấy ai biết rằng cách đây chỉ gần chục năm, vùng đất này thuộc diện đói kém bậc nhất tỉnh Lâm Đồng.

Thay đổi nhận thức

Chỉ tay về phía những căn biệt thự mới mọc lên bên kia quả đồi, ông Trần Xuân Sáng- Bí thư Đảng ủy thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương hồ hởi: Ngày nay người Cơ Ho ở đây chẳng ai lại còn đi lo cái ăn, cái mặc như trước đây, cái mà họ hướng tới là thi đua lao động sản suất để làm giàu nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật từ cán bộ người Kinh tới chuyển giao. Nếu như trước đây, cây trồng của đồng bào Cơ Ho gần như duy nhất là cà phê, lúa, trông chờ mỗi năm một vụ thu hoạch đầy may rủi thì ngày nay, cơ cấu cây trồng đã được chuyển đổi, đa dạng hơn.

vung-rau-lac-duong.jpg

Những loại cây khó trồng như dâu tây, khoai tây, các loại rau, hoa... cũng đã được đưa về trồng và cho năng suất cao.

Ông Sáng không giấu được niềm vui khi kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện cách đây gần chục năm. Khi đó, cán bộ người Kinh trên huyện và tỉnh tới tập huấn, vận động đồng bào Cơ Ho mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao thu nhập mà thoát nghèo. Vụ đầu áp dụng trồng theo công nghệ cao cho thu hoạch trúng lớn, những gia đình này nhanh chóng có tiền mua xe gắn máy, nhiều vật dụng phục vụ gia đình, thế là người Cơ Ho tin rằng, đồng bào mình cũng có thể trồng được mọi thứ như người Kinh chứ không riêng gì chỉ cà phê, lúa, thuần túy bấy lâu nay.

Đẩy lùi đói nghèo vươn lên làm giàu

Nhìn căn nhà mới xây, khang trang, đầy đủ tiện nghi với tổng trị giá ước tính hơn 1 tỷ đồng của ông Cill Nôm, ở buôn Bon Đưng 1, huyện Lạc Dương, khó có thể tin rằng 7 năm về trước gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của thị trấn.

dg-lang.jpg

Cill Nôm kể: lha lúa một vụ/năm lúc bấy giờ không thể đảm bảo nuôi 7 miệng ăn trong gia đình nên cái đói giáp hạt vẫn đeo bám triền miên. Nhờ chính quyền địa phương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao kỹ thuật canh tác luân canh theo hướng công nghệ cao, gia đình Cill Nôm chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang trồng rau, hoa các loại...

Từ đó, bình quân mỗi năm gia đình Cill Nôm thu lãi được 300 triệu đồng, riêng trong 2 năm qua, nhờ đầu tư được hệ thống tưới phun tự động, cộng với 500m2 nhà kính sản xuất các loại hoa chất lượng cao đã nâng mức thu nhập cho gia đình lên 500 triệu đồng/năm.

Ông Nguyễn Duy Hải - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: Từ những kết quả bước đầu cho thấy, sự chuyển biến nhận thức trong cách nghĩ, cách làm của bà con người đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay tích cực. Địa phương sẽ tiếp tục hoạch định những chính sách cụ thể để chương trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ngày càng lan tỏa rộng lớn trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương.

Q.Minh