Hương rừng

Xã hội - Ngày đăng : 14:58, 14/02/2023

(TN&MT) - Rừng ở đây bốn mùa thơm. Hương núi hương cây hương hoa hòa quyện với lòng người thảo thơm, tạo nên một thứ hương thơm đặc biệt.

Tôi nói với Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Trần Ngọc Chính như thế ở cốt 1.100 Vườn Quốc gia Ba Vì trong lào phào hơi thở, ra đằng mũi đằng miệng đằng tai, còn anh thì hoàn toàn bình thản. Anh bảo: “Ngày hôm qua mình đã đi 24 nghìn bước”. Khi người khác tròn mắt ngạc nhiên thì anh lại chỉ cười và giải thích rằng anh quen rồi, anh đã gắn bó với rừng ngót 31 năm.

c-hai.jpg
Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm 1.100 Trần Ngọc Chính trò chuyện với tác giả. Ảnh: Việt Hùng

Ngày ấy, năm 1992, đang đi thực tập thì biết tin Rừng Quốc gia Ba Vì tuyển người, thế là mượn chiếc xe đạp cà tàng của thầy hướng dẫn, anh một mạch đạp xe đi đăng ký. Còn gì hạnh phúc hơn khi học Đại học Lâm nghiệp ra được về công tác ở rừng.

Rừng ngày ấy vắng thưa hơn, đền thờ Bác Hồ chưa xây dựng, đền Thượng cũng còn mới, tuyến đường lên đền Thượng cũng vừa ở đoạn sơ khai. Rừng đã chứng kiến những năm tháng thanh xuân hừng hực nhiệt huyết của anh. Không màng đến thiếu thốn, khó khăn, một chiếc ba lô, mấy gói mì tôm, chút cá khô, nhiều bận anh lên ở với rừng cả nửa tháng trời mới xuống.

z4107515876076_485d2e1c6325d54c2317bc67309bebcb.jpg
Những cán bộ Vườn Quốc gia Ba Vì

Người xưa có câu: Nghề chọn người chứ người đâu có được chọn nghề; hay khi không đủ thuyết phục, người ta sẽ quy nó về một chữ “duyên”. Nếu không vì thế thì bước chân chẳng hối thúc tới đây, rồi ở lại. Cũng có khá nhiều lời mời ma lực, nhiều viễn cảnh về lợi ích đặt ra, nhưng anh từ chối. Đó là khi anh đã đủ tự tin vào tình yêu, niềm đam mê để khẳng định ngược lại, rằng: Người chọn nghề.

Ở nơi mà di sản non sông, trầm tích cội nguồn và khí thiêng lịch sử tụ về, nơi ấy sẽ hào phóng với những người yêu rừng yêu đất. Anh đã chọn rừng và rừng đã chọn anh như thế. Anh đã mang đến rừng trách nhiệm, niềm tự hào, niềm đam mê máu thịt; không một phút giây phân vân do dự thiệt hơn. Không chỉ riêng với rừng đâu, mà còn với bản làng, với những phận đời gắn bó với rừng.

Người Mường có, người Kinh có. Những người dân sống ở lưng chừng núi này khổ lắm, họ quen với tập tục du canh du cư, đốt rừng làm nương rẫy, trồng sắn, trồng giong riềng bán cho đồng bào dưới xuôi. Những người làm nhiệm vụ như anh sợ nhất là những ngày tháng Giêng oi nồng khói đốt nương.

Lúc đó không thể cấm nghiêm ngặt được, cấm là bịt đường sống của dân, chế tài, nguồn lực lúc đó cũng không đủ. Thế là cán bộ đi nhờ xe tải lên trên bản, làm cái lều, góp gạo thổi cơm chung, ăn ở với đồng bào, rồi cứ mưa dầm thấm lâu mà tuyên truyền cho dân hiểu, chủ động rút xuống chân núi ở.

Nhưng chuyện đến đó chưa dừng lại. Nhìn cho dài cho rộng, cho cả hiện tại, cả tương lai, cán bộ Vườn Quốc gia hỏi nhau đời sống của dân sẽ ra sao? Những người đã bao đời gắn bó với rừng, nương tựa vào rừng, giờ rời rừng ra thì họ bấu víu vào đâu? Làm nghề gì? Sống bằng gì?

z4107515870782_7ccc72d435adaa723cf08efc838d8dd2.jpg
Những cán bộ quản lý Vườn Quốc gia Ba Vì xem mình như một thực thể của rừng, tận tụy với rừng, cống hiến cho rừng

Thế là một kế hoạch được vạch ra, báo cáo lên cấp trên, và câu chuyện thuê khoán bắt đầu, nôm na với 1 héc-ta cho dân mượn làm nương rẫy một năm thì dân phải trồng bù cho rừng 200 cây, đến cuối đợt phải nghiệm thu kiểm tra đúng, đủ 200 cây, năm sau mới giao tiếp. Năm đầu 200, sau tăng số lượng lên, 300 rồi 500, có những thời điểm dân làm vượt khoán, không quan tâm số lượng Vườn giao, cứ mải miết trồng. Cây bám rễ tốt tươi, màu xanh cứ thế lan rộng ra, những người dân cứ thế mà trở thành người của rừng, còn các anh thì cũng trở thành con của dân lúc nào chẳng rõ.

Nói về mô hình giao khoán rừng này, có người từng nói con mắt của những người quản lý rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì đã đi trước, tìm ra hướng đi, những manh nha khởi thủy khi ấy chưa có tên, nhưng chính sau này người ta gọi là chính sách dịch vụ môi trường rừng đang triển khai phổ biến bây giờ. Giờ đây, mỗi khi nghĩ lại, anh vẫn tự rút ra cho mình bài học về công tác dân vận, đó là trước tiên phải biết quan tâm đến đời sống, lợi ích của dân, không có tờ rơi nào có sức thuyết phục bằng chính trao cho họ một bổn phận trách nhiệm đi đôi với quyền lợi từ rừng.

Hơn 30 năm gắn với rừng, người đàn ông tóc đã nhuốm màu sương chẳng cất cho mình một bản báo cáo thành tích hay dãy dài con số nào cả. Nhưng nếu nhìn lại những dấu mốc quan trọng, những thời điểm chứng kiến cả một vạt rừng loang khói, xám xịt tro; hay những mảng đồi trắng hếu trơ ra sau khi người dân thu hoạch đót - giong riềng, lòng anh không khỏi rưng rưng xúc động khi trong màu xanh hôm nay có công sức đóng góp của mình từ mấy chục năm qua. Anh bảo nhiều khi chứng kiến màu xanh lan dần ra, tầng tầng lớp lớp phủ xanh đất xanh trời mà ngơ ngẩn cả người.

z4107515876074_20ae88ce50605a7af37a3d4edd4ec6db.jpg
Màu xanh của rừng hôm nay có công sức đóng góp của những cán bộ quản lý Vườn Quốc gia 

Con mắt của “kẻ si rừng” có lúc thấy rừng như một cô gái, lại có lúc rừng là một chàng trai, có khi là đứa trẻ, đâu đó lại trầm ngâm như một người già, khi thâm trầm như thiếu phụ, lúc hào sảng như người đàn ông cường tráng lực lưỡng. Anh cũng nương theo cảm xúc ấy mà lúc thấy mình hồn nhiên như thơ trẻ, lúc bao dung như lòng mẹ, lại có khi ào ạt cuồn cuộn đại ngàn. Đối diện với từng trầm tích, di tích cũng là một câu chuyện mỗi ngày mang về nhiều phân tầng cảm xúc. Nếu đỉnh Mẫu là nguồn cội linh thiêng thì đền thờ Bác lại ấm áp thân thương, rất rõ rất gần.

Trong cuộc đời con người không tránh khỏi những giây phút khó khăn; hay trước một công việc quan trọng, anh thường lặng lẽ trở về đền thờ Bác, lặng lẽ thắp một nén nhang, và tâm sự. Anh có cảm giác những lời anh nói, những điều anh nghĩ, Bác đều thấu cảm, cũng có thể lời ấy, được gió được cây phụ chuyển tới Bác. Những nơi linh thiêng đã như điểm tựa tâm hồn, tiếp thêm năng lượng, làm trí tuệ thêm sáng suốt, ý chí thêm kiên cường, và sức mạnh cứ thế như được nhân lên để vượt qua hết khó khăn.

Cứ thế, ngày qua ngày, năm qua năm, anh vẫn nhiều khi nói chuyện bầu bạn với rừng. Nếu mùa xuân, anh khích lệ rừng về sự nảy nở sinh sôi thì mùa đông, lời nói với cây lúc ấy là lời động viên: “Hãy cố lên”. Bởi mùa đông với rừng bao giờ cũng là mùa khó khăn nhất, có những lúc nhiệt độ xuống dưới -0C. Mùa ấy nhìn cây xót lắm. Anh nhớ ngày 24/1/2016, tuyết bám vào cây trắng xóa, tuyết kéo trĩu cành, tuyết tan là lá rụng, cành gẫy đổ, những lúc ấy, vừa cùng đồng nghiệp dọn lại những hoang tàn do thời tiết, anh vừa thầm thĩ với cây những lời động viên “Hãy cố lên”.

Nếu những ai không tin trên đời này có cổ tích thì cổ tích đang hiển hiện ở đây. Giống như có lúc tôi đã hỏi anh về một thứ hương rừng phảng phất, tìm không ra, nhìn không thấy. Anh bảo: “Nếu em có dịp quay trở lại, đi sâu vào rừng, chỉ 2 tháng nữa thôi, hoa dẻ sẽ giăng mắc chằng chịt và tỏa thơm ngào ngạt. Nhưng nhớ nhé, hoa ở đây chỉ để tỏa hương, nghiêm cấm không được ngắt lá, bẻ cành”.

Chợt nghĩ sẽ không quá khi tôi gọi những người giữ rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì là những người thơm. Hương thơm toát ra từ sự giao hòa giữa thiên nhiên với con người, hương của công việc tốt lành, suy nghĩ tốt lành, hương thơm được chắt từ thiên nhiên, thẩm thấu nhào nặn, hòa quyện với sự cống hiến, niềm đam mê, tình yêu thương, tận tụy để tạo thành thứ hương đặc biệt.

z4107515876075_b96fdd0549a8ce552e11f66c9b0172f5.jpg
Sẽ không quá khi gọi những người giữ rừng ở Vườn Quốc gia Ba Vì là những người thơm

Họ cứ trầm mặc như cây và lặng lẽ tỏa hương. Nếu được hỏi bí quyết nào khiến các anh luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng và giữ rừng, đón tiếp, đảm bảo an toàn cho du khách, quản lý tháp báo thiêng và đền thờ,... câu trả lời sẽ là: “Thành tích này là của chung. Nếu không có sự quan tâm của cấp trên, không có sự phối hợp của đồng nghiệp và các cơ quan chức năng cũng như chính quyền địa phương và ý thức của du khách, thử hỏi, anh em chúng tôi làm sao giữ nổi rừng trong suốt từng ý năm”.

Giản dị thế thôi. Khi các anh xem mình như một thực thể của rừng, thì thật khó để rạch ròi đâu là công trạng, đâu là cống hiến. Cũng giống như việc chúng tôi cứ mải mốt đi tìm cây lan kim tuyến, loài cây có trong Sách Đỏ được anh mang về, từ một cây nhân thành 4, rồi cả vạn cây được nhân giống ở đây. Thế nhưng, khi tìm thì cứ như chơi trò ú tim, không thấy!

Tôi nghe từ vòng cung quán gió lời thầm thĩ: “Không cần tìm đâu, chúng tôi vẫn ở đây, lặng lẽ nở hoa và lặng lẽ tỏa hương”. Ừ nhỉ. Cây ở đây bốn mùa xanh. Rừng ở đây bốn mùa thơm. Hương núi hương cây hương hoa hòa quyện với lòng người thảo thơm. Hương rừng - không thể khác!

Bút kí của Nguyễn Dương Mộc Hương