Kon Tum có 71,6% số xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã

Xã hội - Ngày đăng : 17:40, 13/09/2019

(TN&MT) - Kon Tum là tỉnh miền núi, biên giới phía Bắc Tây Nguyên với 43 dân tộc anh em sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 54 % dân số toàn tỉnh.

Địa bàn sinh sống của các dân tộc chủ yếu là các vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế, vì vậy đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước thực trạng trên, các cấp, chính quyền tỉnh Kon Tum đã tập trung mọi nguồn lực và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án để đưa người dân vươn lên phát triển, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi.

20-3-31-kq-ctmtqg-gnbv-16-20.jpg

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng của nông dân huyện Đăk Tô

Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2018 đầu tư cho tỉnh Kon Tum 719,11 tỷ đồng đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 71,6% số xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% số xã có trạm y tế, có đội ngũ y bác sĩ, cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; 100% số xã, phường, thị trấn có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; có 153 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 36,1% trong tổng số trường mầm non, phổ thông trên toàn tỉnh.

a-hong-12-oke(1).jpg
Mô hình trồng cà phê ở xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà giúp người dân thoát nghèo

100% hộ dân thuộc địa bàn huyện nghèo, xã nghèo được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, kinh nghiệm sản xuất và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước thông qua báo chí, các xuất bản phẩm và các sản phẩm truyền thông khác...

Trong giai đoạn 2016-2018, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Kon Tum và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân trong tổ chức, triển khai thực hiện các CTMTQG, đã tạo được sự chuyển biến tích cực và đạt được một số kết quả trong xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo. Kết quả, (i) CTMTQG xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 13/86 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 05 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 22 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 43 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn 03 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân đạt 10,2 tiêu chí nông thôn mới/xã. (ii) CTMTQG giảm nghèo bền vững, việc triển khai thực hiện chương trình đã góp phần hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao dân trí, tạo việc làm và nâng cao chất lượng nguồn lao động; Tính đến cuối năm 2017, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là 26.164 hộ, chiếm tỷ lệ 20,3% tổng số hộ dân toàn tỉnh; Tỷ lệ giảm hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) năm 2016 là 4,16%; năm 2017 là 4,05%, trong 02 năm, tổng số hộ thoát nghèo là 10.340 hộ; Tổng số hộ nghèo dân tộc thiểu số đến cuối năm 2017 là 24.236 hộ nghèo dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 36,21% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh. 

Để thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, trong thời gian tới Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia đề ra các giải pháp sau: (i) Tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác thông tin, truyền thông, công tác giáo dục chính trị tư tưởng để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và trong các tầng lớp nhân dân về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh; (ii) Tăng cường công tác chỉ đạo từ cấp tỉnh đến các cấp huyện, xã thông qua chương trình công tác của BCĐ các CTMTQG các cấp nhằm bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và kịp thời giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn; 

(iii) Các cơ quan chủ trì CTMTQG, dự án thành phần thuộc chương trình (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ban Dân tộc) và các cơ quan có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của từng chương trình, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của từng chương trình đặt ra trong kế hoạch năm 2018 và giai đoạn 2016-2020; hướng dẫn và triển khai tổ chức đánh giá tình hình thực hiện các CTMTQG trên địa bàn theo thời gian quy định; tăng cường công tác chỉ đạo, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ của từng chương trình; (iv) Các đơn vị, địa phương thực hiện các CTMTQG triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung, dự án thành phần thuộc các CTMTQG; chú trọng hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, tạo sinh kế cho người nghèo. Nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hiện hành của Trung ương, địa phương về nông nghiệp, nông thôn và giảm nghèo bền vững; 

(v) Trong xây dựng nông thôn mới, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tiếp tục xây dựng, triển khai thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, trước mắt tập trung đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật - công nghệ cao; tiếp tục củng cố, tổ chức lại sản xuất, phát triển hợp tác xã kiểu mới, hoạt động theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012; phát triển ngành nghề nông thôn thông qua triển khai Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh trong xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng lao động nông thôn thông qua đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; (vi) Trong giảm nghèo bền vững, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ trợ hiệu quả cho hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, ưu tiên các dịch vụ thuộc nội dung giảm nghèo đa chiều như y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin; phát triển hạ tầng thiết yếu tại các huyện nghèo, xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, an toàn khu và thôn, làng đặc biệt khó khăn; tăng cường hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người dân trên địa bàn các xã; 

(vii) Nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực thực hiện các CTMTQG. Tiếp tục đa dạng hóa các nguồn vốn để thực hiện các CTMTQG theo hướng xã hội hóa; huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp đối với các công trình có khả năng thu hồi vốn; Khai thác thế mạnh phát triển kinh tế của mỗi địa phương để gia tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, tăng cường nguồn thu cho ngân sách địa phương từ quyền sử dụng đất thông qua rà soát xác định quỹ đất, tạo quỹ đất sạch để thực hiện đấu giá; Tăng cường huy động nguồn vốn từ cộng đồng và doanh nghiệp cho xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo; công khai các khoản đóng góp của dân theo nguyên tắc tự nguyện; (viii) Thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo theo quy định tại Quy chế quản lý, điều hành thực hiện các CTMTQG, Quy chế và kế hoạch hoạt động của BCĐ các CTMTQG tỉnh.

Đồng thời các cấp, các ngành, địa phương chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng nội dung giảm nghèo, an sinh xã hội đến Đảng viên, cán bộ, công chức và nhân dân. Theo đó, các cấp ủy, cán bộ đã tiếp nhận thông tin, nhận thức sâu sắc về chủ trương và tầm quan trọng công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh, tạo sự thống nhất trong hành động và sự đồng thuận trong xã hội, phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong việc tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững, chính sách dân tộc.

Lan Anh