Mong ước Tà Đùng
Xã hội - Ngày đăng : 10:05, 09/02/2023
Xe ô tô xuất phát từ Nhân Cơ, huyện Đắk Rlấp, ngược lên thành phố Gia Nghĩa, rẽ vào quốc lộ 28, đến xã Đắk Som, huyện Đắk Glong. Tà Đùng ở đó.
Để tới được xã Đắk Som phải đi qua đèo khuỷu tay. Cung đường uốn lượn theo thế núi, vòng vèo, gấp khúc. Ở Tây Nguyên mấy chục năm trời, tôi khá quen với những con đèo, dài có, ngắn có, hiểm trở có, tương đối dễ chịu cũng có nhưng mỗi lần đi qua tôi vẫn luôn có cảm giác ngợp với cảnh sắc trước mắt, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, người và xe chênh vênh, nhỏ bé trên đường, mây bay là là trước mặt.
Ngồi trên xe, ngắm những cây thông bên đường, nhớ chuyện chị gái kể cho tôi nghe việc người ta đã từng khoan lỗ, bỏ thuốc sâu để đầu độc những cây thông nhằm chiếm đất. Tôi nghe mà như thấu được nỗi đau của cây, tiếng gió lúc ấy chợt nhiên trở thành lời ai oán. Tôi không nghĩ con người có những lúc lại trở nên độc ác và xấu xa như thế. Nhưng chị cũng nói cho tôi hay, rằng cây có linh hồn, đời có luật vay trả và đất nước có pháp luật, những kẻ hủy hoại sự sống đã bị pháp luật gọi tên. Những người yêu thông vẫn luôn hết lòng chăm sóc, bảo vệ loài cây kiên cường, tìm mọi cách để cây ở lại với mình.
Sau lưng tôi, rừng núi vẫn chầm chậm trôi qua, bao dung con người bằng sắc xanh thẫm, vững chãi, kiên định. Tà Đùng kia rồi. Trước mắt tôi là hồ nước xanh màu ngọc, trên đó là vô số những hòn đảo lớn nhỏ. Hôm tôi đến, bầu trời cao, trong vắt, điệp cho sắc nước thêm xanh đến nao lòng. Cảm giác bao nhiêu mệt mỏi trên đường đi tan biến. Bữa tiệc thiên nhiên bày trước mắt quá ư đủ đầy, mãn nhãn.
Đã rất nhiều người viết về Tà Đùng, đã rất nhiều bức ảnh chụp Tà Đùng nhưng để có thể cảm nhận được trọn vẹn vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa tinh tế, vừa khoáng đạt, vừa kì bí, hút mắt người nhìn thì tôi nghĩ có lẽ nên đến tận nơi.
Vẻ đẹp vốn có nơi đây chắc hẳn sẽ không làm ai thất vọng. Thậm chí, tôi còn có cảm giác mộng mị hoang đường trước những gì mắt thấy tai nghe. Bút lực của người viết có thể khơi gợi trí tò mò cho người đọc; đường nét, bố cục, ánh sáng trên bức ảnh có thể khiến người xem trầm trồ, tán thưởng nhưng chiếc máy ảnh tuyệt vời nhất chính là đôi mắt của con người. Cảm nhận sẽ chân thực và sâu sắc biết bao nhiêu nếu đôi mắt ấy vừa thu vào mình cảnh sắc vừa chứa đựng trong những ánh nhìn sự rung động của trái tim và cảm nhận tuyệt vời của tâm hồn.
Hồ Tà Đùng từ khi xuất hiện đã trở thành một phần không thể thiếu, đóng góp cho nơi đây nét uyển chuyển, dịu dàng, làm mềm hẳn bức tranh núi rừng vốn được vẽ bằng những đường nét gân guốc, khoẻ khoắn. Điều thú vị là, nét mềm mại ấy không lạc lõng mà trở nên hài hòa đến kì lạ trong tổng thể bức tranh, khiến người xem không thể rời mắt, lòng không ngừng cảm thán về một mĩ cảnh chốn trần gian.
Thời tiết Tà Đùng tương đối dễ chịu, mát mẻ. Theo kinh nghiệm của người bản địa, thời điểm thích hợp nhất để đến thăm Hồ Tà Đùng là vào khoảng tháng 8 đến tháng 12 hằng năm. Lúc này nước dâng cao đậm màu trong xanh, cây cối được tưới tắm bởi những cơn mưa trở nên xanh tốt vô cùng.
Hồ nằm trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, diện tích mặt nước khoảng hơn 3.600ha và lòng hồ có 47 hòn đảo lớn nhỏ. Ở đây có thảm thực vật rừng rộng lớn với tỉ lệ che phủ lên tới 85%, hệ sinh thái rất đa dạng, phong phú, phù hợp cho sự cư trú, sinh trưởng, phát triển của nhiều loài động thực vật. Qua kết quả điều tra, nơi này hiện có gần 600 loài động vật và hơn 1.400 loài thực vật, trong đó có rất nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng, được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam.
Ở Tây Nguyên, mỗi tấc đất, dáng núi, hình cây đều gắn liền với những truyền thuyết huyền bí, bước chân con người dù bền bỉ tới đâu, tham vọng lớn tới mức nào thì đến tận bây giờ vẫn chưa đủ để khiến nơi đây hết hoang sơ. Và như thế, khát khao khám phá chưa bao giờ dừng lại. Tà Đùng cũng không ngoại lệ.
Tôi đã nghe kể về chuyện tình không trọn vẹn của nàng sơn nữ xinh đẹp nơi Tà Đùng này, truyền thuyết ấy người Mạ ở Đắk Som thường kể cho nhau nghe. Dẫu biết hồ Tà Đùng do đập thủy điện Đồng Nai 3 ngăn dòng chảy, khiến nơi đây bị ngập nước mà thành, nhưng trong tưởng tượng của tôi, hồ nước trong veo kia chính là nước mắt của người con gái không may mắn trong tình yêu ấy.
Vô số đảo lớn nhỏ trong lòng hồ như những mảnh vụn của trái tim. Tình yêu không thành, người đã trở thành huyền thoại, nhưng chứng tích của nó mãi còn. Và, nỗi đau của nàng được núi rừng vỗ về, an ủi, trái tim của nàng dù tan nát vẫn được bảo bọc, chở che.
Nhờ thế con người có thêm một thắng cảnh để thưởng lãm, trầm trồ, thỏa mãn thú kiếm tìm những gì hùng vĩ, đẹp đẽ. Tôi thật sự kinh ngạc trước cái cách mà mẹ thiên nhiên đã đánh thức vẻ đẹp tinh khôi, thuần khiết đã được núi rừng giấu thật kĩ, thật sâu trong lòng mình, biến nó trở thành một món quà vô giá để dành cho con người. Chỉ mong con người ngoài hưởng thụ, thưởng thức, còn biết giữ gìn, đừng vắt kiệt mọi thứ chỉ để thỏa mãn những đòi hỏi vô cùng tận của bản thân.
Vài tiếng với Tà Đùng chẳng thấm thía là bao. Thời gian ngắn khiến tôi không thể đi thuyền vào lòng hồ, đưa tay vốc những vốc nước xanh trong kia mà ấp lên khuôn mặt. Vì thế tôi hứa với lòng mình nhất định sẽ quay trở lại. Chỉ mong khi trở lại, Tà Đùng còn xinh đẹp và dịu dàng hơn những gì tôi chứng kiến lúc này. Thiên nhiên muôn đời vẫn vô tư cống hiến cho con người. Nhưng liệu con người có trân trọng để giữ cho thiên nhiên nơi đây sự giàu có, tĩnh lặng và trong trẻo như vốn nó đã sinh ra? Tôi có thể nào hi vọng về một sự trân trọng, tôn tạo, làm giàu có thêm món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng?
Trong lòng tôi đang ấp ủ những giấc mơ về một ngày không xa, không chỉ quay lại để chiêm ngưỡng Tà Đùng, mà tôi còn làm một điều gì đó có ích, để nàng thơ của tôi mãi mãi là viên ngọc quý giữa đại ngàn Tây Nguyên.