Cần đẩy nhanh các giải pháp, khâu đột phá lĩnh vực Biển và Hải đảo Việt Nam
Biển đảo - Ngày đăng : 16:23, 10/01/2023
Thạm dự Hội nghị có Lãnh đạo các Vụ Kế hoạch Tài chính, Vụ Khoa học Công nghệ, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ và Vụ Hợp tác Quốc tế thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đặt quyết tâm chủ động vượt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội và xác định các định hướng, mục tiêu cụ thể. Trong đó, Cục tập trung triển khai thực hiện các kế hoạch, chương trình, dự án, nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ. Tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, trọng tâm là tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động cấp phép, công tác kiểm tra, thanh tra.
Tập trung đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế cả về chiều rộng và chiều sâu nhằm tiếp cận, học hỏi… về công tác biển và hải đảo. Tiếp tục và khẩn trương kiện toàn bộ máy nhân sự theo yêu cầu mới; nâng cao năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động của Cục, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Đổi mới công tác quản lý, điều hành, tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng các giải pháp quản lý thông minh vào quản lý điều hành công việc.
Thông tin tại Hội nghị ông Nguyễn Đức Toàn - Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Thời gian qua Cục đã và đang triển khai tích cực một số nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện việc tổ chức; sắp xếp cán bộ, hoàn thành ban hành các quy chế, quy định theo Quyết định số 2988/QĐ-BTNMT ngày 04/11/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung theo yêu cầu thực tiễn trong quá trình triển khai các nhiệm vụ. Tiếp tục trình Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các nhiệm vụ đang triển khai. Tập trung hoàn thành Quy hoạch không gian biển quốc gia và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xây dựng hoàn thành và trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành và công bố Bản đồ đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, đường 3 và 6 hải lý tại các đảo/cụm đảo lớn của Việt Nam phục vụ công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo.
Điều phối, tổ chức thực hiện chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; trình Bộ trưởng phê duyệt các dự án mở mới năm 2023 thuộc Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt. Quản lý hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin, xây dựng phương án hỗ trợ việc xử lý hồ sơ công việc, ký số; tổ chức các hội thảo, hội nghị trực tuyến nhằm bảo đảm khoa học, hiệu quả và kịp thời.
Tổng hợp, đánh giá tiềm năng kinh tế - xã hội liên quan đến biển của Việt Nam; thống kê, phân loại, đánh giá tiềm năng của các vùng biển, hải đảo của Việt Nam năm 2023; Xây dựng chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh; Xây dựng Báo cáo hiện trạng môi trường (Chuyên đề năm 2023). Đánh giá kết quả hoạt động kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Thực hiện các hoạt động phối hợp với lực lượng chuyên ngành trong công tác quản lý tổng hợp, kiểm tra về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo...
Sau khi nghe các ý kiến đóng góp của các Vụ trực thuộc Bộ, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết: Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần nêu rõ các nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Từ đó nhanh chóng đưa ra các giải pháp, các khâu đột pháp phải thực hiện. Trong đó, Thứ trưởng đề nghị lãnh đạo Cục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh hơn nữa công tác kiện toàn tổ chức; sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; hoàn thành ban hành các quy chế, quy định nội bộ để đơn vị đi vào hoạt động ổn định.
Cùng với đó, Cục cần phát huy cao hơn nữa tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, đề cao, cũng như lấy nhiệm vụ chính trị đặt lên trên hết, trước hết. Tổ chức chấn chỉnh và thực hiện tốt công tác phân công, phân nhiệm ở tất cả các cấp, các tổ chức thuộc Cục, bảo đảm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian”, thúc đẩy dân chủ, sáng tạo, tạo dựng môi trường làm việc lành mạnh; thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các cấp; thường xuyên giao ban, đánh giá kết quả công tác của công chức, viên chức và người lao động gắn với việc thưởng, phạt kịp thời.
Chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình thực tiễn để kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý những vấn đề phát sinh về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, tập trung hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho địa phương, cơ sở, trọng tâm là công tác nhận chìm, giao khu vực biển, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, hồ sơ hải đảo…