Ứng dụng kỹ thuật góp phần tăng hiệu quả nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:32, 25/12/2022

(TN&MT) - Theo các chuyên gia, bên cạnh giải pháp về quản lý, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật là nhóm giải pháp hiệu quả góp phần tăng cường hiệu quả công tác nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản.
khoang-san-2(1).jpg
Ứng dụng kỹ thuật góp phần tăng hiệu quả nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản

Với nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào và đa dạng, Việt Nam có tiền đề và triển vọng rất lớn để phát triển kinh tế. Tuy vậy, cần có giải pháp để quản lý hiệu quả hơn, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động khai thác khoáng sản, thúc đẩy sự đi lên của kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS. Hoàng Thị Thanh Thủy - Đại học TN&MT TP.HCM, có nhiều hệ thống thông tin cần minh bạch trong ngành khoáng sản Việt Nam gồm: thể chế pháp lý quản lý ngành khoáng sản; quy hoạch khoáng sản; thông tin về tiềm năng khoáng sản; cấp phép hoạt động khoáng sản; giám sát hoạt động khoáng sản; trách nhiệm tài chính, môi trường, xã hội.

PGS.TS. Hoàng Thị Thanh Thủy cũng nhấn mạnh vai trò của các giải pháp về kỹ thuật để tăng cường hiệu quả công tác nguồn thu từ hoạt động khai thác khoáng sản. Theo bà, bên cạnh giải pháp về quản lý, việc sử dụng công nghệ kỹ thuật phụ trợ cho công việc quản lý đạt hiệu quả tốt hơn đang được ứng dụng rộng rãi. Điển hình là việc tạo ra mô hình mỏ thông minh bằng ứng dụng Mạng lưới vạn vật kết nối internet (IoT) vào hoạt động khai khoáng nhằm đảm bảo tường minh các dữ liệu hoạt động của mỏ, trong đó bao gồm cả sản lượng khai thác.

Một ứng dụng kỹ thuật nữa là sử dụng máy bay không người lái (UAV) để đo đạc một cách chi tiết bề mặt địa hình, phục vụ cho việc tính trữ lượng tài nguyên được khai thác một cách chính xác. Những phương pháp truyền thống về đo vẽ bản đồ địa hình là trắc đạc và ảnh hàng không. Dù những phương pháp này có ưu và nhược điểm riêng nhưng chúng khó quan trắc ở những nơi có địa hình phức tạp hay bị che khuất. UAV cho phép khắc phục nhược điểm này.

Bà Thủy cho rằng, lợi thế khi sử dụng UAV là chất lượng ảnh/dữ liệu tốt hơn ảnh hàng không do UAV hoạt động ở tầng thấp, có thể hoạt động trong thời tiết nhiều mây hay vùng có nhiều thực vật; đo đạc bản đồ tỷ lệ lớn so với phương pháp ảnh hàng không; dễ tiếp cận nơi có địa hình phức tạp mà phương pháp trắc địa khó tiếp cận; tăng cao hiệu suất bay quét bản đồ so với phương pháp trắc đạc.

Ngoài ra, sử dụng UAV sẽ tiết kiệm chi phí, nhân lực so với những phương pháp truyền thống; tích hợp các thiết bị quét laser, cảm biến, định vị phục vụ nhiều mục đích khác nhau như lập bản đồ 2D, 3D, các bản đồ chuyên đề.

“Bằng những vượt trội về hiệu suất và chất lượng dữ liệu, sử dụng UAV là một giải pháp triển vọng để đánh giá trữ lượng khoáng sản, cho phép đánh giá với sai số nhỏ hơn những phương pháp truyền thống. Từ đó, hỗ trợ nhà quản lý đưa ra các kế hoạch vận hành, bảo vệ tính bền vững của các hoạt động khai thác mỏ cũng như bảo vệ môi trường khu vực trong và ngoài mỏ”, PGS.TS. Hoàng Thị Thanh Thủy khẳng định.

Mai Đan