Dù khó khăn nhưng EVN vẫn cung úng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 09:16, 22/12/2022

Theo EVN, năm dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện do giá nhiên liệu tăng cao đột biến. Do đó, kết quả năm 2022 dự kiến sẽ lỗ khoảng 31.360 tỉ đồng.

Tại Hội nghị tổng kết tình hình SXKD năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, ông Nguyễn Tài Anh, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, năm 2022  là một năm rất khó khăn với ngành điện nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung khi giá nguyên nhiên liệu đầu vào tăng cao đột biến.

Mặc dù vậy, EVN vẫn đảm bảo cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đến cuối năm 2022, tổng công suất đặt nguồn điện (đã vận hành thương mại - COD) toàn hệ thống đạt gần 77.800 MW, tăng gần 1.400 MW so với năm 2021, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 20.165 MW, chiếm tỉ trọng 26,4%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.

Trong bối cảnh nguồn cấp than trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, giá than thế giới tăng cao, nguồn nhập khẩu hạn chế, EVN đã tập trung tiết giảm chi phí, thực hiện các giải pháp về quản trị. Trong đó, tiết kiệm 10% các chi phí thường xuyên, cắt giảm từ 20-30% chi phí sửa chữa lớn, thực hiện chi lương chỉ bằng với 80-90% mức lương bình quân năm 2020... giúp tiết giảm được khoảng 9.700 tỉ đồng. Tập đoàn cũng tối ưu hóa dòng tiền được hơn 7.900 tỉ đồng gắn với vận hành tối ưu hệ thống điện, ưu tiên huy động các nguồn giá rẻ giúp giảm gần 15.845 tỉ đồng. Nhờ đó, giúp cho EVN tiết giảm được tổng chi phí là 33.445 tỉ đồng.

dsc_9829.jpg
EVN tiết giảm được tổng chi phí là 33.445 tỉ đồng.

Theo bà Đỗ Nguyệt Ánh, Chủ tịch Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC), ngay từ đầu năm 2022, đơn vị đã lường trước những khó khăn của năm nay, nhưng thực tế đã vượt xa dự tính. Những khó khăn đó không chỉ ở cung ứng điện mà còn xuất phát từ những yếu tố khách quan, nhất là giá mua điện tăng cao. Bên cạnh đó, tăng trưởng điện thương phẩm thấp kỷ lục trong 15 năm qua, chỉ đạt khoảng 5,42%. Những phụ tải điện như sắt thép, xi măng, Samsung... đều đã giảm công suất sản xuất ở quy mô lớn, chỉ sản xuất cầm chừng.

"Chúng tôi xác định, trong khó khăn phải tập trung vào quản trị doanh nghiệp, nếu không tự chủ động sẽ rất khó ứng phó. EVNNPC sẽ triển khai quản trị tài chính, kiểm soát chặt các chi phí, tiết giảm. Thực tế có những chi phí đã tiết giảm vượt mức mà Tập đoàn giao: như chi phí biến động giảm 28%, sửa chữa lớn giảm hơn 40%...; rà soát các quy định, nguy cơ tiềm tàng có khả năng ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, có kế hoạch xử lý theo từng tháng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ; thay đổi quy định về phân bổ vốn đầu tư, làm sao tập trung hạng mục ưu tiên trọng điểm", bà Đỗ Nguyệt Ánh nói.

Theo kế hoạch năm 2023, EVN cho biết sẽ tập trung đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, đặc biệt thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời đảm bảo tiến độ, chất lượng đầu tư xây dựng các dự án nguồn và lưới điện, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng năng suất lao động....

dam-bao-dien-nang-nong.jpg
EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội 

Trước những dự báo về khó khăn trong sản xuất, EVN phấn đấu là một trong các đơn vị đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy mọi nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh điện, thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu để đảm bảo khả năng cân đối tài chính năm 2023…

Theo EVN,  để giúp tập đoàn vượt qua khó khăn, EVN kiến nghị Thủ tướng sớm xem xét, phê duyệt quy hoạch điện 8, sửa đổi quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Sửa đổi quy định liên quan để tạo thuận lợi trong huy động nguồn vốn, giải quyết vướng mắc trong thực hiện triển khai dự án điện. EVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương chấp thuận và điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân theo quy định để giảm bớt khó khăn, đảm bảo cân bằng tài chính, áp dụng cơ chế thị trường với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi. Đồng thời, Bộ Công Thương tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ áp dụng cơ chế thị trường đối với hoạt động điện lực, kịp thời điều chỉnh giá điện khi các yếu tố đầu vào thay đổi.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp cho hay, Ủy ban cũng đã chủ động báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các khó khăn, tình hình tài chính của EVN và đề xuất các giải pháp hỗ trợ EVN; trong đó có giải pháp cốt lõi, lâu dài là tăng giá điện để đảm bảo cân bằng tài chính năm 2022 và các năm tiếp theo cho EVN.

Ông Hoàng Anh cho rằng, EVN phải tiếp tục khẳng định vai trò là tập đoàn nhà nước đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân; tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tiết giảm chi phí, tăng doanh thu, đảm bảo khả năng cân đối tài chính, phát triển bền vững và hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển vốn; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cần được đặt lên hàng đầu trong tất cả các lĩnh vực.

Khôi Nguyên