Đặng “Xơ mướp”

Môi trường - Ngày đăng : 12:56, 13/12/2022

(TN&MT) - Cánh đồng mướp mênh mông lủng lẳng sum suê trái trải rộng đến hơn 10 mẫu đất quả là một hình ảnh chưa từng thấy với những người nông dân ở xã Tân Thắng và với cả chính tôi. Bởi xưa nay ở miền quê, người ta trồng giàn mướp nho nhỏ trước hoặc sau nhà đủ dùng cho một gia đình, hay nhiều hơn cũng chỉ để bán ở chợ quê. Trồng mướp nhiều như vậy để làm gì? Tôi tự hỏi và đã đi tìm câu trả lời.

Những người nông dân ở thôn Cô Kiều, xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân cho biết, đó là “cánh đồng nguyên liệu” của anh Đặng “Xơ mướp”. Người ta nhắc đến cái tên Đặng “Xơ mướp” với ánh mắt rất tự hào, anh là tấm gương tiêu biểu của tuổi trẻ khởi nghiệp thành công ngay trên mảnh đất quê nhà.

13-3-.jpg

Anh “Đặng Xơ mướp”, tên thật là Võ Xuân Đặng, sinh năm 1990, trong một gia đình nông dân ở Tân Thắng. Năm 2012, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, đi làm ở thành phố một thời gian, đến năm 2015, Đặng khăn gói về quê và bắt đầu một hành trình gian nan nhưng rất tự tin của riêng mình.

Đặng tiếp tôi ngay tại xưởng sản xuất của mình, anh cho biết: Ý tưởng táo bạo khởi nghiệp bằng xơ mướp của anh được manh nha từ những ngày nghỉ về quê, ra biển chơi, anh đã choáng váng khi thấy một lượng rác thải nhựa khổng lồ vùi lớp lớp trong bãi cát trắng. Anh nghĩ, phải tạo ra những sản phẩm dân dụng thân thiện với môi trường để thay thế cho các sản phẩm nhựa. Miếng xơ mướp rửa chén dĩa ngay trong căn bếp nhà mình đã giúp cho đầu óc một người trẻ như anh lóe lên ngay một dự án. Đặng bắt đầu nghiên cứu về xơ mướp và cách thức tạo ra các dòng sản phẩm dùng trong nhà bếp và nhà tắm. Sau bao đêm mất ngủ với những thử nghiệm, băn khoăn, cuối cùng, Đặng cũng mạnh dạn trình bày dự án của mình cho cha nghe. Thói quen ở nông thôn, khi cho con ăn học cha mẹ thường mơ con mình sẽ thành kỹ sư, bác sĩ, sẽ trở thành công chức… nên việc cất tấm bằng đại học vào tủ và xoay trở cuộc sống, gắn tương lai của mình với những miếng xơ mướp là chuyện dễ gây sốc cho cha mẹ, nghĩ vậy nên anh rất đắn đo. Rất may, cha anh là một người có tầm suy nghĩ thoáng rộng, ông tin tưởng và ủng hộ ngay dự án táo bạo của con trai.

13-1-.jpg

Được cha mẹ cho 5000m2 đất rẫy, anh tiến hành cày xới xuống giống ngay. Mùa thu hoạch mướp đầu tiên cũng là mùa khổ nhọc nhất của anh với bao mày mò, suy nghĩ. Thoạt đầu, giống mướp anh trồng chưa phải là loại cho nhiều xơ và trái nhỏ chưa đủ chuẩn nên việc ép, cắt, may, định hình sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Các nơi nhận hàng ký gửi còn chưa “bắt hàng” lắm. Đặng lại lặn lội khắp nơi để tìm cho bằng được giống mướp ta vừa ý để về gieo trồng mùa tiếp theo. Có giống đạt yêu cầu rồi nhưng thời kỳ này, việc thuyết phục các chủ rẫy trồng mướp cho anh mua lại cũng không được hưởng ứng vì người dân nghe anh nói “cứ như chuyện đùa”, họ chưa tin tưởng… Phải mất hơn năm trời, sản lượng mướp và độ xơ của từng trái và sản phẩm tạo ra mới được như ý.

Từ đó, anh bắt đầu thuê thêm đất để tăng thêm diện tích gieo trồng. Xác định phát triển theo hướng bền vững, Đặng đích thân đi khắp nơi trong nước để đặt vấn đề, quảng bá và tìm “đầu ra”. Khi tận mắt thấy được sản phẩm thân thiện với môi trường, làm sạch, khử trùng không phải bằng hóa chất mà vẫn bảo đảm vệ sinh, sử dụng tốt, mẫu mã mỹ thuật, giá cả hợp lý, 5 đại lý trên cả nước, từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, đến thành phố Đà Nẵng đều đã nhận lời hợp tác. Đặng phấn khởi vay thêm tiền mua thêm một máy cán mới, 4 máy may và 2 máy định hình mới. Được sự ủng hộ của gia đình, anh mua thêm đất canh tác mướp để chủ động nguồn nguyên liệu. Và tất nhiên là phải thuê thêm nhân công. Lúc này tạm yên tâm với con đường mình đã chọn, anh đặt tên chính thức cho cơ sở của mình là “Cơ sở sản xuất Thiên nhiên & Cuộc sống”, chuyên sản xuất miếng xơ mướp rửa chén, bông tắm và đai xơ mướp kỳ lưng. Sản phẩm xơ mướp thân thiện với môi trường của Đặng được các khách sạn, resort cao cấp, cả thị trường bên ngoài ưa chuộng, hàng trăm ngàn sản phẩm xuất xưởng mỗi năm và cái tên Đặng “Xơ mướp” cũng ra đời từ đó.

13-2-.jpg

Ít ai hình dung xơ mướp vốn là thứ bỏ đi ở những vùng quê lại trở thành vật liệu giá trị làm nên những món hàng hữu ích, thân thiện với môi trường như vậy. Tiếng lành đồn xa, càng ngày càng nhiều người biết đến cái tên Đặng “Xơ mướp” và tìm đến tận nơi đặt hàng.

Trong cuộc trò chuyện, Đặng thân tình chia sẻ: Thật ra nhìn đơn giản nhưng để có một sản phẩm như ý đến tay người tiêu dùng, anh và các nhân công, cộng sự phải rất đắn đo và hết lòng, tận lực với từng công đoạn. Từ thu mướp đúng độ già, tách lột vỏ, bỏ hạt, rửa giặt, phơi, cắt, may, chế tác, định hình… đều thật kỹ lưỡng. Kiên quyết không dùng thuốc bảo vệ thực vật, trau chuốt tỉ mỉ cẩn thận từng mảng xơ, từng sản phẩm. Trong tất cả các công đoạn, Đặng phải tự mình kiểm tra, kịp thời phát hiện lỗi, sản phẩm xuất xưởng phải là sản phẩm được chính anh đồng ý, chọn lựa.

13-4-.jpg

Sau 7 năm cơ sở sản xuất hoạt động, sản phẩm xơ mướp của anh Võ Xuân Đặng đã có mặt trên khắp thị trường từ Nam ra Bắc, chinh phục được cả những khách hàng khó tính nhất. Hiện cơ sở sản xuất xơ mướp Thiên nhiên & Cuộc sống đã hoạt động ổn định.

Khi được hỏi về những dự định phát triển trong thời gian tới, Đặng cho biết: Sẽ xây dựng văn phòng có tủ trưng bày sản phẩm để phục vụ cho nhu cầu tham quan và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tăng thêm mẫu mã cao cấp cho các sản phẩm gia dụng để hướng tới xuất khẩu và phù hợp với phân khúc thị trường tiêu thụ (tùy theo đặc điểm, nhu cầu mà có sản phẩm thích hợp).

Ông Trần Văn Nhật - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thắng cho biết: “Đảng ủy và chính quyền địa phương rất vui mừng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho việc phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có cơ sở sản xuất sản phẩm xơ mướp Thiên nhiên & Cuộc sống của anh Võ Xuân Đặng. Việc khởi nghiệp thành công từ sản phẩm thân thiện với môi trường của một trí thức trẻ không chỉ góp phần phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương mà còn tạo ra sức lan tỏa tích cực “dám nghĩ dám làm” cho thế hệ trẻ của xã Tân Thắng - một xã mới vốn còn nghèo trên mặt bằng cả tỉnh. Ngày nay, đến Tân Thắng, ai cũng biết anh Đặng “Xơ mướp”, đó cũng là niềm tự hào của địa phương chúng tôi”.

Ký của Nhà văn Nguyễn Hiệp