Góp ý xây dựng chính sách quản lý, khai thác và bảo vệ tài nguyên nước

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:50, 02/12/2022

(TN&MT) - Ngày 2/12, tại Hà Nội, Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) đã tổ chức Hội thảo “Một số vấn đề quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” để xây dựng những ý kiến khách quan từ các chuyên gia lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
img_8290.jpg
PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã được Quốc Hội thông qua ngày 21/6/2012 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013 đến nay. Luật đã phát huy hiệu quả về nhiều mặt, tạo hành lang pháp lý bảo vệ tài nguyên nước trên phạm vi cả nước, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. 

Tuy nhiên, sau hơn 9 năm thi hành, Luật Tài nguyên nước 2012 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Vì vậy, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập. 

Cụ thể, những hạn chế trong quy định về Luật Tài nguyên nước năm 2012 gồm thể chế, chính sách chưa tích hợp được các quy định về quản lý tài nguyên nước; thiếu khung pháp lý cho an ninh tài nguyên nước trong bối cảnh tài nguyên nước của Việt Nam đang phải chịu nhiều thách thức như phụ thuộc lớn vào nước ngoài, phân bố không đều theo thời gian; tác động của biến đổi khí hậu, suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước,…; chưa chú trọng đầu tư nguồn nhân lực, thiếu chính sách cơ chế thu hút khu vực tư nhân trong ngành nước nói chung,..

Từ đó, gây ra tình trạng về ô nhiễm nguồn nước, chưa có chế tài chặt chẽ trong việc quản lý và bảo vệ nguồn nước. PGS.TS Đức Hải đưa ra giải pháp trong quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và theo lưu vực là cần phải quản lý và xử lý tất cả các nguồn ô nhiễm trong phạm vi lưu vực có tác động tiêu cực tới nguồn nước gồm cả số lượng và chất lượng.

Luật Tài nguyên nước 2012 đưa ra nguyên tắc quản lý Tài nguyên nước trên các dòng sông, cần có cách tiếp cận và giải pháp đưa quản lý nguồn nước theo lưu vực phù hợp trong giai đoạn biến đổi khí hậu và tăng nhu cầu sử dụng nước, đồng thời, cần nâng cao tính pháp lý phù hợp và mang lại lợi ích cho người dân khi xây dựng những mô hình quản lý và bảo vệ môi trường. 

img_8303.jpg
Ông Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TN&MT tham luận Đảm bảo an ninh tài nguyên nước

Ông Bùi Đức Hiếu - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ TN&MT trình bày về tham luận Đảm bảo an ninh tài nguyên nước, trong đó, tập trung phân tích các chiến lược, kế hoạch, khung quốc gia về an ninh nước đối với một số quốc gia trên thế giới. Qua đó, khẳng định an ninh nguồn nước là vấn đề quan trọng, đảm bảo thích ứng với các thảm họa, tác hại liên quan đến nước, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội của người dân. 

Theo chủ trương, chính sách của Đảng tại Đại hội Đảng XIII, trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII có nêu, xây dựng chiến lược an ninh nguồn nước quốc gia, hoàn thiện chính sách, pháp luật, nhất là cơ chế tài chính về khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đảm bảo tính công bằng, sự hiệu quả, bền vững trên nguyên tắc của kinh tế thị trường và quản lý tổng hợp nguồn nước, bảo đảm nghiêm ngặt an ninh nguồn nước, nhất là nước sạch cho sinh hoạt.

Từ đó, cần phải chủ động, tích cực hợp tác quốc tế trong việc chia sẻ thông tin, phối hợp nghiên cứu, quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm an ninh sinh thái, an ninh môi trường, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời, giảm thiểu các tác động bất lợi từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. 

img_8289.jpg
Hội thảo nhận được nhiều tham luận đóng góp, xây dựng cho Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Hội thảo cũng nhận được nhiều tham luận, ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học về thực hiện tuần hoàn tái sử dụng nước thải sau khi xử lý trong công nghiệp, chỉ ra một số điểm mới về hoạch toán tài nguyên nước trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), cùng các phương pháp đánh giá sức chịu tải môi trường và môi trường nước,… 




Thuỵ Khanh