Lồng ghép đánh giá, hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam
Biển đảo - Ngày đăng : 17:30, 25/11/2022
Với trên 3.260 km đường bờ biển và trên 3.000 hòn đảo lớn nhỏ, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tiềm năng và lợi thế lớn về tài nguyên biển và hải đảo.
Cùng với những lợi thế trên, nhận thức đầy đủ vị thế, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách quan trọng để phát triển bền vững kinh tế biển. Theo đó, Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định những kết quả phát triển kinh tế biển của nước ta trong thời gian qua, đồng thời, nhấn mạnh những mục tiêu, nhiệm vụ mới cho giai đoạn tiếp theo phấn đấu để nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Đáng chú ý, trong hơn 10 năm qua, Đảng đã có hai Nghị quyết riêng về Chiến lược phát triển kinh tế biển. Đó là Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 9/2/2007, của Hội nghị Trung ương 4 khóa X “Về chiến lược biển đến năm 2020” và Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018, của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII “Về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cả hai Nghị quyết này đều khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của kinh tế biển đối với nước ta và đặc biệt nhấn mạnh đến sự phát triển kinh tế biển phải gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, Nghị quyết số 36-NQ/TW đã nêu rõ quan điểm về phát triển bền vững, “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế biển” và nhấn mạnh phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.
Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 24/11/2021 về đổi mới và tăng cường tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch 5 năm (Nghị quyết số 26/NQ-CP tháng 3/2020) thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Đảng và phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định số 647/QĐ-TTg tháng 5 năm 2020).
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thực trạng phát triển kinh tế biển Việt Nam hiện nay chưa bền vững. Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, sự cố môi trường ở một số nơi các vùng ven biển còn diễn ra nghiêm trọng, ô nhiễm rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác chưa bền vững…
Đứng trước thách thức đó, theo PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách TN&MT, việc nâng cao chất lượng vốn tự nhiên là một trong các mục tiêu mà Việt Nam đang hướng tới trong hành trình phát triển bền vững. Đặc biệt, việc áp dụng đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển sẽ góp phần quan trọng hỗ trợ việc xác định phát triển kinh tế biển một cách bền vững, đóng góp vào quá trình xây dựng chính sách liên quan đến kinh tế biển xanh của Việt Nam.
Vì vậy, xuất phát từ thực tiễn đó, Viện trưởng Nguyễn Đình Thọ cho biết, Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT đang phối hợp với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UN-Environment) xây dựng Văn kiện Dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực”. Dự án được thực hiện nhằm mục tiêu lồng ghép giá trị vốn tự nhiên và bảo vệ hệ sinh thải biển và ven biển trong kế hoạch phát triển và tăng cường quản lý sinh cảnh để hỗ trợ chính sách về phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam.
“Nhằm tham vấn về thiết kế Dự án và thu thập các thông tin liên quan, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tổ chức Hội thảo tham vấn này. Tôi hy vọng sẽ nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bên liên quan để Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và nhóm chuyên gia của UNEP có thể xác định rõ các hoạt động của Dự án và các bên tham gia nhằm đạt được các mục tiêu của Dự án” – PGS.TS Nguyễn Đình Thọ nhấn mạnh.
Giới thiệu về Dự án “Lồng ghép đánh giá và hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế biển xanh bền vững trong một số lĩnh vực”, đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết, Dự án đã được Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) phê duyệt với thời gian triển khai từ năm 2023 đến năm 2025. Dự án được thực hiện nhằm lồng ghép giá trị vốn tự nhiên và bảo vệ hệ sinh thải biển và ven biển trong kế hoạch phát triển và tăng cường quản lý sinh cảnh để hỗ trợ chính sách về phát triển kinh tế biển xanh của Việt Nam.
Theo đó, Dự án gồm 3 hợp phần chính: Hoàn thiện hệ thống thể chế quốc gia, dữ liệu và giám sát để áp dụng hạch toán vốn tự nhiên hướng tới kinh tế biển xanh bền vững tại Việt Nam; Lồng ghép hạch toán vốn tự nhiên biển và ven biển vào kế hoạch phát triển và một số hoạt động tại Tỉnh Quảng Ninh và Quản lý tri thức và truyền thông nhân rộng ở cấp quốc gia.
Để triển khai thực hiện dự án, trong thời gian qua, nhóm chuyên gia của UNEP và Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch chi tiết cho quá trình xây dựng Văn kiện Dự án cũng như thường xuyên trao đổi, thảo luận để đưa ra quyết định đối với các vấn đề chuyên môn. Đồng thời, tham vấn các Bộ, ngành, địa phương và các đối tác phát triển về các nội dung thực hiện Dự án.
Tại Hội thảo, các chuyên gia tư vấn đã giới thiệu tổng quan về quy trình xây dựng văn kiện Dự án với các nội dung liên quan đến các thông tin cơ bản về mục tiêu và kết quả dự kiến; các yêu cầu và quy trình thực hiện Dự án; kế hoạch xây dựng văn kiện và các mốc thời gian và sự tham gia của các bên liên quan trong quá trình xây dựng văn kiện Dự án. Các đại biểu đã lắng nghe và đóng góp ý kiến để nhóm thực hiện tiếp tục hoàn thiện nội dung để đạt được mục tiêu hiệu quả nhất của Dự án trong thời gian tới.