Tuyên Quang: Chủ động xây dựng phương án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp

Đất đai - Ngày đăng : 09:45, 26/05/2019

(TN&MT) - Từ thực tiễn giao rừng ở Tuyên Quang đã đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà Nước và lợi ích của người tham gia dự án trồng rừng từ nhiều năm trước.
56-1-.jpg
Giao đất, giao rừng đảm bảo cho người dân có sinh kế bền vững, thu nhập ổn định

Theo báo cáo từ Chi cục Kiểm lâm, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh đã giao được 10.262,29 ha rừng; 8.050,57 ha đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Trong đó, thực hiện thí điểm và theo Quyết định 65/QĐ-UBND, ngày 17/3/2010 của UBND tỉnh đã giao được 10.068,16 ha rừng, 8.050,57 ha đất lâm nghiệp và theo Quyết định 258/QĐ-UBND, ngày 7/9/2015 của UBND tỉnh đã giao được 194,13 ha rừng.

Tuy vậy, theo Chi cục Kiểm lâm, đối với thí điểm và Quyết định số 65 của UBND tỉnh còn một số vướng mắc như: Rừng bị mất nên người dân không thực hiện hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước để được giao đất, nhiều diện tích rừng còn chồng chéo giữa các chương trình giao đất giao rừng 672 và dự án RIDP; nhiều hộ gia đình trồng chung một lô rừng; nhiều hợp đồng trồng rừng có các thỏa thuận hưởng lợi sản phẩm thu được khác nhau sau khai thác rừng... dẫn đến mất nhiều thời gian giải quyết, xử lý.

Đối với Quyết định số 258 của UBND tỉnh, hiện mới chỉ có huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa đang hoàn thiện hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân. Trong khi các huyện Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên vẫn đang tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai ở ngoài thực địa trước khi trình duyệt phương án giao rừng trên địa bàn 14 xã với diện tích 844,65 ha. Trong đó, huyện Lâm Bình 5 xã 358,41 ha, huyện Na Hang 7 xã 230,8 ha; Hàm Yên 2 xã 255,44 ha.

56-2-.jpg
Lực lượng kiểm lâm hỗ trợ hướng dẫn người dân trồng rừng

Năm 2016, sau điều chỉnh quy hoạch phân 3 loại rừng, diện tích rừng trồng phòng hộ được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất trên địa bàn các huyện còn 723,22 ha. Diện tích này nằm trên địa bàn 20 xã của 5 huyện. Trong đó, huyện Na Hang 198,89 ha, Chiêm Hóa 31,32 ha, Hàm Yên 172,8 ha, Yên Sơn 233,11 ha, Sơn Dương 87,1 ha.

Mục tiêu của tỉnh là đến hết năm 2019 cơ bản giao xong toàn bộ diện tích này cho các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu, có khả năng sử dụng rừng và đất lâm nghiệp để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có tờ trình phê duyệt phương án giao rừng trồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước đã quy hoạch lại là rừng sản xuất sau điều chỉnh phân 3 loại rừng. Trong đó, sẽ ưu tiên cho các hộ gia đình, cá nhân đã nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, các hộ di dân tái định cư, thiếu đất sản xuất đang ở gần rừng và các hộ tại chỗ có nhu cầu, khả năng quản lý, bảo vệ, đầu tư phát triển rừng.

Từ thực trạng giao đất, giao rừng thí điểm và theo các Quyết định 65, Quyết định 258 trước đó, Chi cục Kiểm lâm đã rà soát lại toàn bộ 723,22 ha, xác định chính xác diện tích còn rừng là 712,52 ha; diện tích mất rừng cả lô là 10,7 ha. Từ đó đã xây dựng phương án bán đấu giá không giao đất là 62 ha, dự kiến thu được trên 1,7 tỷ đồng; bán đấu giá rừng và giao đất 594,03 ha, dự kiến thu được trên 15 tỷ đồng; giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp 56,49 ha, dự kiến thu trên 1,1 tỷ đồng. Đối với 10,7 ha rừng mất cả lô, ngành và chính quyền địa phương kiên quyết xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây mất rừng và giao đất cho hộ gia đình, cá nhân, ước tính vốn đầu tư phải thu hồi 119 triệu đồng.

Giao đất, giao rừng gắn với cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, mục tiêu lâu dài là đảm bảo cho người dân có sinh kế bền vững, thu nhập ổn định. Từ đó, làm tăng nguồn lợi tài nguyên rừng, nâng cao chất lượng và giá trị rừng, góp phần duy trì, giữ vững độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh đạt trên 60%.

Quảng Tuyên