Nâng cao nhận thức về nước sạch cho người dân Sơn La
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 17:23, 23/04/2020
Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Sơn La đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 12 công trình. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi hành vi của người dân trong việc dùng nước; nâng cao tỷ lệ đấu nối và sử dụng nước của các hộ gia đình qua các buổi họp dân, tập huấn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Năm 2019, Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã: Huy Tường, Huy Hạ (Phù Yên), Chiềng La (Thuận Châu), Chiềng Khoang (Quỳnh Nhai), Chiềng Khoa (Vân Hồ), Chiềng Sơn, Phiêng Luông, Đông Sang (Mộc Châu), Chiềng Pằn (Yên Châu), Chiềng Sung (Mai Sơn) thành lập tổ truyền thông tuyên truyền về nước sạch, với thành viên của tổ gồm các trưởng bản, hội phụ nữ các bản hưởng lợi từ công trình cấp nước và cán bộ phụ trách của xã tham gia. Đã tổ chức 30 cuộc tuyên truyền đến hàng trăm người dân; tổ chức 4 hội nghị tập huấn cho 164 cán bộ cấp tỉnh, huyện, xã về Sổ tay hướng dẫn thực hiện Chương trình và các vấn đề về dân tộc thiểu số trong thực hiện chương trình; mở 4 lớp hướng dẫn vận hành và quản lý công trình cấp nước dựa vào cộng đồng cho gần 164 cán bộ cấp xã...
Từ nguồn vốn các chương trình: Tái định cư thủy điện Hòa Bình, 134, 135, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới..., toàn tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng hơn 1.400 công trình cấp nước tập trung. Hết năm 2019, 92% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh, 56% dân số được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế.
Năm 2020, tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục thi công, hoàn thiện 3 công trình nâng cấp, mở rộng, nâng cao chất lượng nước; khởi công 3 công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng nước sinh hoạt tập trung; số đấu nối đạt được là trên 3.000 đấu nối. Phấn đấu đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 95% số dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó, có 65% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế.
Đây là mục tiêu tương đối cao, trong điều kiện tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nhận thức của một số bộ phận người dân còn hạn chế về vai trò của nước sạch và vệ sinh trong đời sống. Do đó, ngoài việc đẩy mạnh công tác thi công, đấu nối cấp nước sinh hoạt cho người dân, tỉnh Sơn La đã xây dựng Kế hoạch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi của người dân nông thôn, cải thiện thói quen sử dụng nước an toàn, tiết kiệm, hiệu quả.
Cùng với đó, tiếp tục giao Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với UBND các huyện triển khai xây dựng mô hình điểm xử lý nước thải nông thôn; xây dựng pano, áp phích, biển truyền thông tuyên truyền về đấu nối, sử dụng nước máy và các vấn đề vệ sinh môi trường; xây dựng hương ước, quy ước của tổ, bản, tiểu khu về quản lý, bảo vệ công trình cấp nước, rừng đầu nguồn nước.
Đẩy mạnh truyền thông qua loa phát thanh tại xã, bản các thông điệp về nâng cao ý thức sử dụng dịch vụ cấp nước và phí đấu nối, giá nước, phương thức thanh toán, thuyết phục vận động các gia đình đấu nối và sử dụng nước để nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống, tiết kiệm chi phí. Lựa chọn các đại diện ban ngành đoàn thể của các bản trong xã, thành lập tổ truyền thông tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và hướng dẫn tổ hoạt động thực hiện tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường tại địa phương.
Triển khai tập huấn quản lý, vận hành, khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn. Hướng dẫn người dân cách xử lý, tích trữ nước an toàn tại hộ gia đình, từ đó, đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình và cộng đồng.
Từ năm 2016 tới nay, Sơn La là 1 trong 21 tỉnh được lựa chọn tham gia Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh sẽ sửa chữa, mở rộng 18 công trình và xây dựng mới 3 công trình cấp nước tập trung; mục tiêu cấp nước cho khoảng 56.000 người sử dụng.