Ông Tẩn Dấu Quẩy “dám nghĩ, dám làm”

Xã hội - Ngày đăng : 17:12, 28/04/2019

“Không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực tham gia công tác xã hội, giúp đỡ nhiều người khó khăn trong xóm cùng vươn lên trong cuộc sống, nâng cao thu nhập…”

Đó là những gì ông Tẩn Dấu Quẩy, dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín (NCUT) xóm Phiêng Pẻn, xã Lý Bôn, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng đã và đang làm. Với những việc làm ý nghĩa đó, ông Tẩn Dấu Quẩy luôn được bà con trong xóm tín nhiệm và chính quyền địa phương đánh giá cao.

Đến xóm Phiêng Pẻn, hỏi ông Tẩn Dấu Quẩy, Bí thư Chi bộ, NCUT trong đồng bào dân tộc của xóm, không ai là không biết. Ông là người có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội, đặc biệt là công tác xóa đói giảm nghèo của người dân nơi đây.

68-2-.jpg

Ông Tẩn Dấu Quẩy chăm sóc cây hồi.

Năm 2009 - 2010, ông Tẩn Dấu Quẩy lần lượt được người dân xóm Phiêng Pẻn tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư Chi bộ và NCUT trong đồng bào dân tộc của xóm. Với vai trò Bí thư Chi bộ, NCUT trong đồng bào dân tộc của xóm, ông Quẩy luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình, phát huy tinh thần đoàn kết nhân dân. Đặc biệt, ông Quẩy luôn trăn trở phải làm gì để nâng cao đời sống tinh thần cũng như vật chất cho người dân trong xóm. 

Chia sẻ với chúng tôi về những trăn trở của mình, ông Tẩn Dấu Quẩy cho biết: “Để nâng cao đời sống của người dân trong xóm, trước hết bản thân tôi nhận thức mình phải là người tiên phong, đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình”. Với suy nghĩ như vậy, ông đã không ngừng đi tìm hiểu, học hỏi và phát triển mô hình trồng cây hồi và chưng cất tinh dầu hồi để thay đổi cuộc sống của gia đình.

Sau khi tìm hiểu các kỹ thuật trồng cây hồi, năm 2002, ông Quẩy mua giống cây hồi từ Trung Quốc đem về trồng tại địa phương. “Mới đầu, khi tôi trồng cây hồi thì cả xóm không ai ủng hộ, vợ thì can ngăn không cho làm bởi sợ không đem lại hiệu quả kinh tế mà còn mang nợ vào thân. Thế nhưng, tôi vẫn quyết tâm cải tạo lại diện tích đất nương rẫy trồng ngô để đầu tư trồng hơn 10.000 cây hồi. Sau nhiều năm vất vả, chăm sóc cây hồi, đến nay gia đình tôi đã trồng được khoảng 19 ha với 88.000 cây hồi. Mỗi vụ thu hoạch chưng cất được khoảng hơn 450 kg tinh dầu hồi, cho thu nhập trung bình từ 220 - 250 triệu đồng/năm. Ngoài cây hồi, gia đình tôi còn trồng 3.000 cây quế, 6.200 cây sa mộc và 150 cây sưa”. Ông Tẩn Dấu Quẩy cho biết.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế cao từ trồng cây hồi và chưng cất tinh dầu hồi, ông Tẩn Dấu Quẩy tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân trong xóm Phiêng Pẻn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để vươn lên thoát nghèo. Thông qua các buổi sinh hoạt thôn xóm, ông thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăm sóc cây hồi. Đến nay, 99% hộ dân xóm Phiêng Pẻn đã tham gia trồng cây hồi, thu nhập của một số hộ ít nhất cũng từ 50 - 70 triệu đồng/năm.

68-1-.jpg

Ông Tẩn Dấu Quẩy tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Không chỉ chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, ông Tẩn Dấu Quẩy còn phát huy tốt vai trò của NCUT trong đồng bào dân tộc của xóm. Ông tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động bà con giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh đường làng, ngõ xóm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập… Nhờ đó, cuộc sống của người dân xóm Phiêng Pẻn có nhiều thay đổi rõ rệt, bản thân ông Tẩn Dấu Quẩy được bà con tin tưởng, yêu mến.

Ông Nông Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Lý Bôn nhận định: Ông Tẩn Dấu Quẩy luôn gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào tại địa phương, là tấm gương để cho mọi người học tập và noi theo, xứng đáng là cầu nối ý Đảng - lòng dân, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. 

Nguyễn Hùng