Phát triển du lịch sinh thái bền vững
Du lịch - Ngày đăng : 15:42, 22/01/2020
Du lịch sinh thái - hướng đến du lịch xanh
Chiến lược Phát triển Du lịch Việt Nam xác định du lịch sinh thái là loại hình du lịch được ưu tiên phát triển. Định hướng này còn có ý nghĩa đặc biệt khi phát triển du lịch cũng đang hướng tới nền kinh tế xanh, góp phần tích cực vào phát triển bền vững và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam. Bên cạnh đó, nhu cầu được tham gia phát triển loại hình du lịch tâm linh cũng được quan tâm.
Thực tế cho thấy, trong quá trình hoạt động của các dự án du lịch sinh thái, tâm linh của nước ta đang gặp phải những thách thức và áp lực rất lớn từ các hoạt động phát triển kinh tế, từ cộng đồng địa phương... Nhiều giải pháp đưa ra nhằm đảm bảo được mục tiêu phát triển và hỗ trợ cho bảo tồn. Trong đó, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh được coi là giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương mà còn thúc đẩy việc bảo tồn, giảm tác động tiêu cực của con người đối với rừng, đồng thời đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Du lịch cộng đồng được xây dựng và phát triển ở vùng người Thái ở bản Lác, huyện Mai Châu (Hòa Bình) vào giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Đến năm 2000, người Tày ở bản Dền, xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai cũng triển khai xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Phải đánh giá tác động môi trường nghiêm ngặt
Dự án du lịch tâm linh, tín ngưỡng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý đất đai, bảo vệ rừng và phát triển rừng, di sản văn hóa, xây dựng và bảo vệ môi trường. Theo Nghị định số 40/2019/ NĐ-CP ngày 1/7/2019 chỉnh sửa, bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường 2014, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án du lịch sinh thái tâm linh được quy định cụ thể.
Theo đó, đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường là các dự án sử dụng đất, mặt nước của vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển, khu di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, sử dụng đất rừng, khu du lịch rộng từ 10ha trở lên... thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường trình cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi dự án triển khai xây dựng.
Dự án phải trình cơ quan quản lý Nhà nước chuyên môn, cơ quan có thẩm quyền (Bộ TN&MT) thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm: Dự án đầu tư du lịch thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; dự án có sử dụng từ 1 ha đất trở lên của khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia; dự án có sử dụng từ 2 ha đất trở lên của khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, từ 10 ha của khu di sản thế giới hoặc khu danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng cấp quốc gia, từ 20 ha đất trở lên của khu dự trữ sinh quyển; dự án có sử dụng đất rừng phòng hộ từ 30 ha hoặc rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ 50 ha trở lên; dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí có diện tích từ 200 ha trở lên.
Bên cạnh đó, tại Nghị định số 18/2015/NĐ-CP đã được chỉnh sửa, bổ sung bởi Nghị định số 40/2019/NĐ ngày 1/7/2019 còn quy định các dự án có sử dụng từ 10ha đất lúa trở lên cũng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường - ĐTM và do Bộ TN&MT xem xét, phê duyệt.
Sau gần 20 năm phát triển, đến nay, du lịch cộng đồng được xây dựng thành công ở vùng người Thái, người Tày, người Dao, Mông tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái... Nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút hàng vạn du khách, như Bản Dền (Lào Cai) đón 12.000 lượt khách quốc tế (năm 2008), các điểm du lịch cộng đồng ở Mai Châu (Hòa Bình) đón 400.000 lượt du khách, trong đó, có 200.000 lượt du khách quốc tế (năm 2019).