Sử dụng hiệu quả tài nguyên nước giúp người dân Sơn La thoát nghèo

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 21:07, 14/11/2022

(TN&MT) - Phát huy lợi thế hơn 23.000 ha mặt nước diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La và Hòa Bình, những năm qua, tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp khai thác, sử dụng mặt nước lòng hồ để nuôi trồng thủy sản, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
a1(1).jpg

Nuôi cá tầm trên lòng hồ thủy điện Sơn La, thuộc địa phận huyện Mường La.

Năm 2012, sau khi thủy điện Sơn La tích nước, người dân xã Mường Trai, huyện Mường La bắt tay vào nuôi trồng thủy sản. Ban đầu, bà con chỉ nuôi quy mô nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu phục vụ sinh hoạt gia đình. Năm 2018, 22 hộ dân trên địa bàn xã đã liên kết lại, thành lập Tổ hợp tác nuôi cá lồng xã Mường Trai. Hiện tổ hợp tác có 80 lồng cá, sản lượng đạt trên 100 tấn cá/năm, chủ yếu là cá trắm, lăng, chép, rô phi… Nhiều thành viên có thu nhập ổn định từ 100-200 triệu đồng/năm.

Theo lãnh đạo UBND xã Mường Trai, là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, để xóa đói giảm nghèo bền vững, Mường Trai đã tận dụng gần 1.300ha mặt nước lòng hồ để phát triển cá lồng. Để hỗ trợ người dân, chính quyền xã đã vận động các hộ gia đình liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX nuôi trồng thủy sản… Phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật về nuôi cá, tham quan mô hình nuôi cá hiệu quả tại các địa phương. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình đã từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm còn 16,6%.

a3(1).jpg

Người dân Mường La thoát nghèo bền vững nhờ phát triển nuôi trồng thủy sản.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La cho biết, Mường La có gần 4.000ha diện tích mặt nước lòng hồ các công trình thủy điện trên địa bàn 5 xã Chiềng Lao, Mường Trai, Hua Trai, Nậm Giôn và thị trấn Ít Ong. Giai đoạn 2021-2025, Mường La đã định hướng khai thác tiềm năng các loại hình mặt nước mà trọng tâm là mặt nước lòng hồ thủy điện để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đến nay, toàn huyện có hơn 150ha diện tích nuôi thủy sản và gần 1.000 lồng cá, sản lượng khai thác, nuôi trồng đạt gần 900 tấn cá. Hết năm 2021, toàn huyện còn 21,8% hộ nghèo, đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo giai đoạn 2021-2022.

Lưu vực Sông Đà với diện tích tự nhiên khoảng 885.000 ha, chiếm gần 2/3 tổng diện tích toàn tỉnh Sơn La. Với ưu thế về địa hình, các công trình thủy điện hình thành đã tạo ra tiềm năng lớn trong khai thác, sử dụng mặt nước các hồ chứa thủy điện. Trong đó, chỉ tính riêng diện tích lòng hồ chứa thủy điện Sơn La là 13.000 ha, hồ chứa thủy điện Hòa Bình (thuộc địa phận tỉnh Sơn La) là 7.900 ha, trải rộng trên địa bàn 8 huyện, 44 xã.

a2(1).jpg

Giai đoạn 2022-2025, Sơn La triển khai quan trắc môi trường vùng nuôi trồng thủy sản giúp kiểm soát chất lượng nước, chủ động phòng, chống dịch bệnh, có biện pháp xử lý môi trường phù hợp.

Phát huy lợi thế trên, tỉnh Sơn La đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển nuôi trồng thủy sản, bảo vệ môi trường. Thực hiện hiệu quả Đề án khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La; tổ chức thả cá giống bổ sung nguồn lợi thủy sản; hướng dẫn người dân nuôi đúng quy hoạch, đúng quy trình, kỹ thuật, bảo vệ con giống và môi trường nước; hỗ trợ phát triển vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, xây dựng các chuỗi cung ứng thủy sản an toàn. Tăng cường kiểm tra, xử lý tình trạng sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái thủy sinh và loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm…

Theo số liệu từ Sở NN&PTNT tỉnh, Sơn La hiện đang duy trì nuôi gần 3.000 ha thủy sản với trên 8.900 lồng cá các loại, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8.000 tấn cá nuôi và khai thác. Nuôi trồng thủy sản đã và đang là một trong những hướng phát triển kinh tế bền vững góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm và tăng thu nhập cho người dân, nhất là người dân vùng tái định cư các công trình thủy điện. Mục tiêu năm 2022, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 18,66%.

Tuy nhiên, quá trình phát triển đang đối diện nhiều thách thức. Môi trường nuôi trồng thủy sản đang bị suy thoái và có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát, vấn đề ô nhiễm nguồn nước do nước thải sinh hoạt, nước thải nông nghiệp và nước thải công nghiệp, cũng như hoạt động nuôi trồng không ngừng phát triển đã làm gia tăng dịch bệnh thủy sản; việc tăng cường quản lý để kiểm soát môi trường và dịch bệnh là vấn đề cấp bách.

a4(1).jpg

Sơn La đang duy trì trên 8.900 lồng cá các loại, tổng sản lượng thủy sản khoảng 8.000 tấn cá nuôi và khai thác.

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh đã xây dựng kế hoạch thực hiện quan trắc, cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi cá lồng tập trung từ 1.000m3 trở lên, trên địa bàn 4 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Phù Yên, Mộc Châu. Mục tiêu nhằm cung cấp thông tin kịp thời, dự báo diễn biến môi trường vùng nuôi, mùa vụ nuôi, kiểm soát chất lượng nước, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, xử lý môi trường phù hợp, giúp tăng hiệu quả, giảm thiểu rủi ro trong sản xuất, phát triển thủy sản bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội.

Cùng với đó, tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia nuôi trồng thủy sản lồng bè trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Đôn đốc, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nuôi trồng thủy sản lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác tài nguyên nước mặt, giấy phép môi trường. Tổ chức điều tra, đánh giá môi trường trong hoạt động sản xuất thủy sản nhằm phục vụ hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo sản xuất phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững. Chọn lọc, khôi phục các loại nghề, ngư cụ đánh bắt thủy sản truyền thống, hiệu quả, thân thiện với môi trường, không tận diệt nguồn lợi thủy sản. Mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi trồng đạt 5.000ha, số lồng nuôi trồng ổn định khoảng 11.000 lồng, sản lượng thủy sản đạt trên 15.000 tấn. Giá trị sản xuất ngành thủy sản ước đạt 700-750 tỷ đồng…

Thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, tỉnh Sơn La đã phê duyệt Quy hoạch phân bổ tài nguyên nước mặt, tài nguyên nước dưới đất đến năm 2020, định hướng 2025; Quy hoạch tài nguyên nước (nội dung bảo vệ tài nguyên nước) từ năm 2015-2020, tầm nhìn 2030; tích hợp vào quy hoạch tỉnh nội dung phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Toàn tỉnh hiện có 107 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, 71 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước thuộc đối tượng phải giám sát lưu lượng khai thác và xả nước thải.

Nguyễn Nga