Bộ TN&MT phối hợp với các đối tác Hoa Kỳ khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 15:57, 15/11/2022
Tới dự lễ khởi động Dự án có sự tham dự của TS. Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bà Melissa A. Bishop Phó Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, Ông Rodney Ferguson, Chủ tịch Winrock International cùng với hơn 100 đại biểu từ các bộ, ban ngành, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu liên quan.
Dự án này do USAID tài trợ với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giải quyết những thách thức về ô nhiễm môi trường tại các khu vực mục tiêu thông qua cách tiếp cận tác động tập thể. Hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Dự án thúc đẩy sáng kiến địa phương và tăng cường năng lực của các đối tác để xây dựng mạng lưới địa phương nhằm giảm thiểu các vấn đề ô nhiễm trọng điểm tại Việt Nam.
TS. Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học là những thách thức toàn cầu mà nhân loại hiện nay đang phải đối mặt. Nhận thức rõ tính chất nghiêm trọng của những thách thức này đối với Việt Nam, trong thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách và hành động tăng cường kiểm soát ô nhiễm, bảo vệ môi trường và phục hồi hệ sinh thái tự nhiên nhằm mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và phát triển bền vững đất nước. Qua đó, nhiều vụ việc điểm nóng về môi trường đã được xử lý, ô nhiễm lưu vực sông từng bước được ngăn chặn và cải thiện, chất thải rắn được quản lý chặt chẽ.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã được ban hành, góp phần hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý về bảo vệ môi trường; nhiều chiến lược, kế hoạch về bảo vệ môi trường đã được xây dựng, thực hiện và lồng ghép môi trường trong kế hoạch phát triển của các ngành, lĩnh vực.
Ngày 13/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những mục tiêu của Chiến lược là ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong nước và đối tác quốc tế tích cực thực hiện các nhiệm vụ trong tâm của Chiến lược quốc gia về môi trường đến năm 2050.
“Ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên và suy giảm đa dạng sinh học xảy ra ở toàn cầu, biến đổi khí hậu cực đoan…đây là vấn đề hết sức gay gắt và phức tạp. Xu thế hiện nay là phải thay đổi tư duy, nhận thức, thay đổi mô hình phát triển, thay đổi hành động từ Nhà nước cho đến từng người dân. Cần chuyển đổi từ bị động, lúng túng, ứng phó chuyển sang chủ động, tiến tới nền kinh tế xanh. Cần chuyển đổi số, chuyển sang nền kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, bảo tồn để phát triển…Để làm được việc này không chỉ có quyết tâm chính trị mà cần đòi hỏi năng lực, trình độ để thay đổi. Bên cạnh đó cần quyết tâm cao hơn nhiều. Chúng tôi sẽ cùng với Hoa Kỳ để xây dựng năng lực thực hiện là hết sức quan trọng. Trong đó xây dựng quy phạm, tiêu chuẩn, hệ thống kĩ thuật tiên tiến để kiểm soát”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Dự án này xác lập nền tảng để hiện đại hóa quản lý Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương. Qua đó, xem xét, thiết lập cơ chế hợp tác công tư, trong thực hiện.
Bộ trưởng kỳ vọng, dự án sẽ mở ra không gian mới, qua đó sẽ mở ra các dự án khác, căn cơ hơn trong tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, và với doanh nghiệp hay với các quốc gia khác…
“Chúng tôi mong muốn đối tác Hoa Kỳ, cùng với chúng tôi giải quyết các vấn đề lớn như rác thải nhựa, ô nhiễm không khí… Đây sẽ là dự án điển hình, thu hút và mong muốn các chuyên gia của Hoa Kỳ nhất là các chuyên gia của WINROCK INTERNATIONAL. Mong muốn các cơ quan, chuyên gia và mọi người hãy biến dự án này thành cơ hội học hỏi, đồng hành, trách nhiệm, làm cho dự án này thành công hơn mục tiêu đặt ra. Từ dự án này là khuôn mẫu cho quản lý và hành động”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.
Bà Aler Grubbs, Giám đốc USAID Việt Nam, phát biểu tại sự kiện: “Việc khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm là một phần quan trọng trong hợp tác giữa USAID và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Hai cơ quan ký một bản ghi nhớ vào tháng 1/2022 để cải thiện các kết quả về môi trường, và Dự án Giảm thiểu ô nhiễm là một dấu mốc tuyệt vời đầu tiên. Nỗ lực chung của chúng ta sẽ nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hành động do người Việt Nam dẫn dắt nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu về biến đổi khí hậu”.
Cũng trong sự kiện khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Tổ chức Winrock International đã ký Thỏa thuận hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Hoạt động này đánh dấu bước hợp tác mới giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổ chức Winrock International, thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong việc chung tay giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Nhân Lễ khởi động Dự án Giảm thiểu ô nhiễm hôm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Winrock International sẽ ký kết Biên bản hợp tác, tạo căn cứ để thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác, đóng góp vào nỗ lực chung về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam cũng như đóng góp chung cho phát triển bền vững toàn cầu.
Ông Rodney Ferguson, Chủ tịch Winrock International cho biết, việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên đã khẳng định sự quyết tâm của Việt Nam và Hoa Kỳ nói chung và Bộ TN&MT với USAID và Winrock nói riêng trong việc giảm thiểu ô nhiễm và ứng phó với BĐKH.
Phía Winrock sẽ đảm bảo cam kết hợp tác chặt chẽ với Bộ TN&MT trong việc triển khai các nhiệm vụ trong biên bản hợp tác, đây vừa là trách nhiệm cũng vừa là sứ mệnh cao cả của Winrock. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ferguson cho rằng, dự án cũng là cơ hội để triển khai Luật BVMT của Việt Nam cũng như sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân tham gia vào công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường, rác thải nhựa, ứng phó với BĐKH.
Dự án gồm 3 Hợp phần chính để hướng tới các mục tiêu nêu trên:
Hợp phần 1: Hỗ trợ xây dựng và thực thi chính sách giảm thiểu ô nhiễm. Dự án sẽ hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan xây dựng và thực thi hiệu quả Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Trong khuôn khổ Hợp phần 1, sẽ có ít nhất 7 văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, quy định.. được Dự án hỗ trợ đề xuất, ban hành hoặc thực hiện. Dự án cũng sẽ hỗ trợ ít nhất 6 cơ chế địa phương nhằm kết nối công dân với chính quyền các cấp trong việc thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.
Hợp phần 2: Nâng cao năng lực cho các bên liên quan để triển khai thành công và duy tri bền vững hiệu quả các sáng kiến tác động tập thể.
Hợp phần 3: Triển khai các sáng kiến tác động tập thể nhằm giảm thiểu ô nhiễm.
Trong khuôn khổ Hợp phần 2 và 3, để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong việc giải quyết những thách thức ô nhiễm môi trường, Dự án sẽ hỗ trợ cho các sáng kiến tác động tập thể. Theo đó, mỗi sáng kiến sẽ được dẫn dắt bởi một tổ chức địa phương, có vai trò là “Tổ chức nòng cốt”. Các “tổ chức nòng cốt” sẽ huy động sự hỗ trợ của cộng đồng và khu vực tư nhân, hợp tác với cơ quan nhà nước và các nhà nghiên cứu để thực hiện các sáng kiến, góp phần hoàn thiện và thực thi chính sách bảo vệ môi trường, thúc đẩy thay đổi hành vi của cộng đồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm tại Việt Nam, đồng thời hình thành cơ chế để giải quyết vấn đề môi trường một cách bền vững.