Hậu Giang: Đổi thay từ Chương trình 135

Môi trường - Ngày đăng : 16:14, 21/02/2021

(TN&MT) - Trong thời gian qua, nhờ thụ hưởng các chính sách đầu tư từ Chương trình 135 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 mà vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã có nhiều đổi mới, cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc không ngừng nâng lên.
23-2-.jpg
Hệ thống giao thông ngày càng khang trang, sạch đẹp

Cơ sở hạ tầng hoàn thiện

Theo Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang, thực hiện Chương trình 135 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, tổng nguồn vốn Trung ương bố trí cho tỉnh Hậu Giang thuộc Chương trình 135 trên 71,7 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng hơn 53,5 tỷ đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo hơn 13,1 tỷ đồng…

Ông Nguyễn Hoàng Triệu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang cho biết: Trong thời gian qua, các chính sách đầu tư trong đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đặc biệt là Chương trình 135 không chỉ làm cho diện mạo tại vùng đồng bào DTTS khởi sắc, mà còn tạo thêm niềm tin, động lực để đồng bào DTTS mạnh dạn phát triển sản xuất, tích cực tham gia vào các phong trào ở địa phương.

Trò chuyện với phóng viên, ông Danh Động (ở khu vực 4, phường III, TP. Vị Thanh) chia sẻ: Thời điểm trước năm 2016, tuyến đường cặp kênh Chùa phía trước nhà ông là đường đất, người dân đi lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi trời mưa dẫn đến trơn trượt, lầy lội. Trước thực trạng này, tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hơn 500 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình 135 để nâng cấp tuyến đường. Từ khi tuyến đường này đưa vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân; đồng thời, nhiều thương lái cũng tìm đến đây để thu mua nông sản của bà con. Ngoài ra, tuyến đường đã góp phần thu hẹp khoảng cách giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Cùng với việc đầu tư xây dựng cầu, đường thì việc đầu tư nâng cấp trường, trạm từ nguồn vốn của Chương trình 135 cũng được tỉnh Hậu Giang quan tâm thực hiện thường xuyên ở vùng có đông đồng bào DTTS. Điển hình là việc đầu tư xây dựng trường Tiểu học Xà Phiên 3, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Theo lãnh đạo UBND xã Xà Phiên, Trường Tiểu học Xà Phiên 3 xây dựng đã khá lâu, nhiều hạng mục xuống cấp, mưa dột vào phòng học ảnh hưởng không nhỏ đến việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh. Thực hiện Chương trình 135, cuối năm 2017, tỉnh Hậu Giang đầu tư 6,5 tỷ đồng xây dựng Trường Tiểu học Xà Phiên 3.

Đầu tư phát triển sản xuất

Trong thời gian qua, nhờ các chính sách, chương trình hỗ trợ vốn phát triển sản xuất, nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng các tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất, qua đó vừa nâng cao thu nhập cho gia đình, vừa thích ứng với sự thay đổi của nguồn nước, thời tiết.

23-1-.jpg

Nhiều hộ DTTS ở Hậu Giang như gia đình chị Lý Thị Hà đã có điều kiện phát triển sản xuất, thoát nghèo

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A) cho biết: Thị trấn Cái Tắc có 300 hộ DTTS với hơn 1.000 khẩu. Nhằm giúp bà con DTTS nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, thoát nghèo, trong những năm qua, UBND thị trấn đã giúp nhiều hộ dân tộc tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, triển khai các mô hình giảm nghèo từ Chương trình 135. Thông qua các chương trình hỗ trợ này, nhiều hộ đồng bào dân tộc có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn thị trấn. Tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thị trấn Cái Tắc còn 79 hộ thuộc diện nghèo, trong đó chỉ có 11 hộ là người dân tộc.

Vì không có tư liệu sản xuất, đời sống của gia đình chị Lý Thị Hà (ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A) rất khó khăn, thuộc diện nghèo nhiều năm của thị trấn. Năm 2019, gia đình chị Hà được hỗ trợ vốn 10 triệu đồng từ Chương trình 135 để phát triển sản xuất. Với số tiền này, vợ chồng chị đã thuê đất trồng cây ăn trái kết hợp trồng xen canh các loại rau ngắn ngày. Hiện tại, nguồn thu nhập từ việc bán rau cũng đủ để chị Hà trang trải cho các sinh hoạt hàng ngày của gia đình và có thêm một phần lo cho con đi học.

Theo kế hoạch, trong năm 2021, Ban Dân tộc tỉnh Hậu Giang sẽ tiếp tục triển khai các chương trình, dự án đầu tư dành cho đồng bào dân tộc, qua đó góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho các hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

Lê Hùng