Việt Nam – Singapore: Triển khai hợp tác về xây dựng thị trường các-bon

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 10:40, 08/11/2022

(TN&MT) - Ngày 7/11, bên lề Hội nghị COP27 tại Ai Cập, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có buổi làm việc với ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore về việc thúc đẩy hình thành thị trường các-bon tại Việt Nam trong thời gian tới.

Buổi làm việc nhằm triển khai các nội dung Bản ghi nhớ Hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (Singapore). Cùng tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, ông Lê Việt Anh - Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục tài nguyên và môi trường (Bộ KH&ĐT), ông Trần Long - Phó Tổng giám đốc BIDV và một số đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Trung ương Singapore.

Theo ông Ravi Menon, để hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” đến năm 2050, phía Ngân hàng Trung ương Singapore cho rằng cần phải thúc đẩy hình thành thị trường các-bon cho Việt Nam, tạo ra tín chỉ chất lượng cao, thu hút nhiều nhà đầu tư, khối tư nhân tham gia hơn. Dự báo nhu cầu tín chỉ tại Việt Nam sẽ tăng lên. Trong khi đó, Singapore cũng như các nước trong khu vực đều cần tín chỉ các-bon. Đây là cơ hội cho Việt Nam tạo ra tín chỉ các-bon chất lượng cao và mở rộng trao đổi tín chỉ.

anh-3(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có buổi làm việc với ông Ravi Menon, Giám đốc điều hành Ngân hàng Trung ương Singapore, bên lề Hội nghị COP 27

Đồng tình với nhận định này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Việt Nam không chỉ hình thành thị trường các-bon mà tiến tới xây dựng thị trường tài chính một cách đồng bộ. Việc trao đổi, mua bán tín chỉ có thể vượt ra khỏi phạm vi ASEAN, tham gia thị trường thế giới đến các châu lục khác. Hiện nay, đã có nhiều cơ chế của Ngân hàng Thế giới, Cơ chế Tín chỉ chung JCM của Nhật Bản và đây là cơ sở để Việt Nam nghiên cứu cơ chế phù hợp, tiến tới toàn cầu hóa. Thị trường hình thành khi có cơ sở pháp lý, có cung, có cầu. Việt Nam đề nghị phía Singapore hỗ trợ để sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính sách hình thành thị trường, sau đó là thiết chế để quản trị.

anh1.jpg
Hai bên cùng trao đổi về những ưu tiên hợp tác để phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

Nhấn mạnh vấn đề định giá các-bon, ông Ravi Menon cho rằng, đây là yếu tố quyết định để có thể tạo ra tín chỉ các-bon và một thị trường ổn định. Singapore sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm định giá các-bon, thị trường các-bon và công nghệ phù hợp cho các dự án. Bên cạnh đó, cần đưa các định chế tài chính cùng toàn bộ hệ thống mà hai nước có thể hợp tác cùng tham gia xây dựng thị trường. Hai bên sẽ cùng thảo luận để đề ra kế hoạch hợp tác cụ thể với những dự án Việt Nam muốn ưu tiên.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, Việt Nam hiện đang trong quá trình hình thành các vấn đề pháp lý, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện. Sắp tới, cần có kế hoạch xây dựng năng lực, thị trường, hoạt động của thị trường (cần có danh mục dự án ưu tiên, hỗ trợ về năng lực và tài chính để hình thành dự án).

Việt Nam là 1 trong 4 nước đang thỏa thuận với các nước trong và ngoài Nhóm các nước Phát triển (G7) thảo luận về cơ chế Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Bộ trưởng khẳng định, đây là ưu tiên cao nhất của Việt Nam. Điều quan trọng là công nghệ và nguồn vốn để đầu tư cho các dự án, tạo ra nguồn cung cho thị trường các-bon.

Về Cơ chế JETP, Việt Nam vẫn đang xây dựng trình đàm phán, chuyển đổi sử dụng năng lượng than sang năng lượng sạch hơn. Ở tầm khu vực, khi xây dựng mạng lưới truyền tải điện, JETP sẽ xây dựng dự án ưu tiên ở Việt Nam. Phạm vi ký Thỏa thuận rất rộng nên cần xác định các hoạt động ưu tiên cụ thể.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo hai cơ quan cũng trao đổi thêm nhiều nội dung liên quan đến nhu cầu hợp tác trong việc giảm giảm dần phát thải từ nhà máy điện than, ưu tiên để có thể có dự án cụ thể; giải pháp đảm bảo ổn định hệ thống điện trong bối cảnh tăng tỷ trọng điện từ năng lượng tái tạo; nhu cầu của Singapore về nhập khẩu điện từ nguồn năng lượng sạch; kinh nghiệm hình thành thị trường các-bon tại Singapore và nhu cầu từ phía các ngân hàng…

 Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Việt Nam) và Bộ Thương mại và Công nghiệp (Singapore) đã cùng ký Bản ghi nhớ hợp tác theo Điều 6 Thỏa thuận Paris vào ngày 17/10/2022, tại Hà Nội. Mục đích của Bản ghi nhớ nhằm thể hiện sự thống nhất và định hướng của hai bên trong hợp tác các dự án thí điểm tạo tín chỉ các-bon theo Điều 6, khoản 2 của Thỏa thuận Paris.

Các hoạt động hợp tác chính bao gồm:

- Trao đổi thông tin, kiến thức, bài học thực tiễn và kinh nghiệm hay về triển khai việc áp dụng thuế các-bon và trao đổi tín chỉ các-bon; chính sách về quản lý, phát triển các hoạt động và nguồn lực thực hiện giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

- Xác định các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính để doanh nghiệp của cả hai bên Singapore và Việt Nam thực hiện thí điểm trên cơ sở cùng có lợi.

- Tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thí điểm về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được xác định. Hợp tác xây dựng các phương thức, thủ tục phê duyệt, thẩm định và chuyển giao kết quả giảm phát thải khí nhà kính đạt được.

- Hợp tác tuân thủ theo các quy định và bộ quy tắc của Thỏa thuận Paris, bao gồm cả nội dung áp dụng các điều chỉnh tương ứng để tránh tính hai lần kết quả giảm phát thải khí nhà kính.

- Các hợp tác khác liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính.

Chu Thanh Hương, đưa tin từ Sharm El Sheikh (Ai Cập)