COP27 quyết tâm đẩy nhanh các hành động vì biến đổi khí hậu

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:29, 07/11/2022

(TN&MT) - Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP27) với thông điệp xuyên suốt: “Cùng nhau hành động” - nhấn mạnh các ưu tiên của năm 2022 là cần hành động, chuyển đổi các cam kết, các tuyên bố thành những kết quả và hành động cụ thể. Ngay sau Phiên khai mạc ngày 6/11, Hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong hai ngày 7 - 8/11.

Hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”

Hội nghị COP26 được tổ chức tại Glasgow vào tháng 11/2021, đã thống nhất quan điểm: Thế giới đang đối mặt với thập kỷ quan trọng, đòi hỏi có những hành động thiết thực và thực hiện các cam kết đã đưa ra. Để tiếp nối, Hội nghị COP27 được coi là Hội nghị của hành động.

Theo ông Alok Sharma - Chủ tịch COP26, tại COP26, các quốc gia đều đã thống nhất rằng việc hợp tác ứng phó với biến đổi khí hậu là vì lợi ích chung của thế giới. Vì sự thống nhất, đồng lòng này, chúng ta đã có thể thông qua các nội dung quan trọng về Tuyên bố Khí hậu Glassgow, Paris Rulebook (tạm dịch: hướng dẫn thực hiện Thỏa thuận Paris). Hiện, hơn 90% nền kinh tế toàn cầu đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng “0”.

anh-2.jpg
Hội nghị COP 27 diễn ra tại Ai Cập từ ngày 6 - 18/11. Các đại biểu đến từ 196 nước thành viên Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu.

Sau COP26, dù đã có những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm vẫn chưa đạt được - ông Alok Sharma khẳng định.

Tại phiên khai mạc Hội nghị COP27, ông Sameh Shoukry, Chủ tịch COP 27/CMP 17/CMA 4 kêu gọi các quốc gia sẽ cùng nhau giải quyết các vấn đề mới về năng lượng, lương thực và nhanh chóng thực hiện chuyển đổi năng lượng. Các vấn đề này cần được giải quyết đồng loạt, nhanh chóng và không tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến các cam kết, hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu hiện nay.

Trong Báo cáo IPCC đưa ra năm 2022, các nhà khoa học ước tính, nhiệt độ toàn cầu đã tăng lên 1,15 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và 8 năm gần đây là các năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây là những dấu hiệu cầu cứu từ Trái đất - ông Hoesung Lee, Chủ tịch Ban Liên Chính phủ về biến đổi khí hậu cho biết.

Ông Simon Stiell, Tổng Thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) nhấn mạnh, việc triển khai các cam kết sẽ là trách nhiệm toàn cầu, của mỗi người dân. Ông cũng kêu gọi COP 27 tập trung vào 3 nội dung quan trọng: Thứ nhất, chuyển đổi từ giai đoạn đàm phán sang giai đoạn triển khai, tận dụng các cơ chế tài chính hiện có để hỗ trợ triển khai Thỏa thuận Paris. Thứ hai, tiếp tục tập trung vào các hợp phần quan trọng: giảm nhẹ, thích ứng, tài chính, tổn thất và thiệt hại. Thứ ba, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm của các Bên trong quá trình triển khai.

Hiện nay, mới chỉ có 29/194 quốc gia đã cập nhật đưa ra cam kết giảm phát thải mạnh mẽ hơn từ sau COP26. Ông Simon Stiell kêu gọi 165 quốc gia còn lại sẽ rà soát và đưa ra các cam kết tham vọng hơn.

anh-1.jpg
Đoàn Việt Nam tham dự COP 27

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị COP27 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn, với sự tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ, các thành viên Ban công tác đàm phán của Việt Nam về biến đổi khí hậu từ các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; một số doanh nghiệp.

Các hoạt động tại COP27

Theo quy định của Công ước, Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, tại Hội nghị COP 27, các bên sẽ đánh giá nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia thông qua các Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nộp trước COP27, nhằm hướng tới đạt phát thải ròng bằng “0” vào giữa thế kỷ và thảo luận nhiều nội dung liên quan.

Về giảm phát thải khí nhà kính, các quốc gia, tổ chức quốc tế sẽ chia sẻ những gì mình đã và đang thực hiện về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thực hiện nghĩa vụ quy định của Thoả thuận Paris cũng như các cam kết đưa ra tại Hội nghị COP26.

Hội nghị COP27 sẽ thúc đẩy thực hiện 3 quy trình mới của Gói thỏa thuận khí hậu Glasgow gồm: Chương trình làm việc về “tăng cường quy mô tham vọng và thực hiện giảm phát thải; bàn tròn cấp bộ trưởng thường niên về tham vọng trước năm 2030; báo cáo hàng năm tổng hợp nỗ lực trong NDC của các quốc gia.

Về thích ứng với BĐKH, các Bên sẽ thảo luận các nội dung Ủy ban thích ứng về các khoảng trống, nhu cầu về thích ứng BĐKH và việc thực hiện Kế hoạch thích ứng quốc gia; thảo luận nội dung cụ thể của chương trình nghị sự Glasgow-Sharm el-Sheikh về mục tiêu toàn cầu về thích ứng đã được thông qua tại Hội nghị COP26; xây dựng mục tiêu thích ứng toàn cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiết lập các hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH ở cấp quốc gia; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương; đánh giá Quỹ thích ứng lần thứ 4.

Về tài chính khí hậu, Hội nghị tiếp tục làm rõ tiến độ huy động 100 tỷ đô la mỗi năm của các nước phát triển cho các quốc gia đang phát triển để ứng phó với BĐKH. Trong đó, làm rõ nguồn lực hỗ trợ thích ứng với BĐKH, giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại tại các nước đang phát triển; cuộc họp lần thứ 7 về cơ chế tài chính của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; xem xét hoạt động của Quỹ Khí hậu xanh (GCF) và các quỹ hỗ trợ thực hiện BĐKH khác.

Về khung thời gian chung, các Bên sẽ thảo luận thống nhất khung thời gian nộp các NDC. Dự kiến, các quốc gia sẽ nộp NDC cập nhật lần 2 vào năm 2025 cho giai đoạn 2025-2035; nộp NDC cập nhật lần 3 vào năm 2030 cho giai đoạn 2030-2040 và thực hiện việc này mỗi 5 năm sau đó. Điều này nhằm thống nhất về thời gian, nội dung NDC để dễ so sánh, đánh giá và tổng hợp.

Về tổn thất và thiệt hại, các Bên tiếp tục thảo luận về Mạng lưới Santiago của cơ chế quốc tế Vác-xa-va về tổn thất và thiệt hại. Nội dung tập trung vào vai trò và trách nhiệm của ban thư ký, sự cần thiết thành lập ban cố vấn, vai trò của đầu mối về tổn thất và thiệt hại, báo cáo và rà soát, thủ tục công nhận thành viên của mạng lưới, vai trò của Ban điều hành cơ chế quốc tế Vác-xa-va về tổn thất và thiệt hại. Đồng thời, tiếp tục thực hiện đối thoại Glasgow về tổn thất và thiệt hại.

Về đánh giá nỗ lực toàn cầu (GST), nội dung cần chuẩn bị để thực hiện đánh giá nỗ lực toàn cầu lần đầu tiên vào năm 2023 nhằm xác định thiếu hụt và tăng cường tham vọng của các bên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, đóng góp tài chính và hỗ trợ công nghệ cho các nước đang phát triển.

Về cơ chế thị trường và phi thị trường, các Bên tiếp tục thảo luận về hướng dẫn thực hiện Cơ chế đóng góp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hỗ trợ phát triển bền vững theo Thỏa thuận Paris, các quy định kỹ thuật nhằm bảo đảm hỗ trợ phát triển thị trường các-bon và áp dụng các công cụ quản lý (thuế các-bon, dán nhãn các-bon, dấu chân các bon, điều chỉnh biên giới các-bon…) trong thúc đẩy nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính từ các doanh nghiệp, cộng đồng, cá nhân.

Ngoài các nội dung nêu trên, các Bên cũng sẽ tiếp tục thảo luận nhiều vấn đề khác như quy định của Nghị định thư Kyoto sau năm 2020; giới và BĐKH; hoạt động của Ban Thư ký UNFCCC, các Ban Bổ trợ, các Ủy ban và các Nhóm công tác khác.

Chu Thanh Hương