Tăng cường các biện pháp, chế tài để thu hồi tài sản tham nhũng

Thời sự - Ngày đăng : 19:34, 05/11/2022

(TN&MT) - Chiều 5/11, phát biểu thêm một số vấn đề trong phiên chất trong lĩnh vực thanh tra, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nêu rõ, năm 2022, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo công tác thanh tra, coi đây là công tác trọng tâm. Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ trong công tác thanh tra phòng chống tham nhũng, tiêu cực; nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ cũng đã chỉ đạo ngành thanh tra tập trung thanh tra trong một số lĩnh vực quan trọng như: đầu tư, xây dựng, đấu thầu, chứng khoán, ngân hàng… Thủ tướng Chính phủ trực tiếp cho ý kiến chỉ đạo về kết luận thanh tra, nhất là với những vấn đề phức tạp, qua đó nhiều cuộc thanh tra đạt kết quả tốt, xử lý nghiêm các vi phạm.

051120220217-ptt-le-minh-khai-3-.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm

Nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc thu hồi tài sản cho nhà nước, phát hiện vi phạm pháp luật, xử lý sau thanh tra. Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, 9 tháng đầu năm, trên 3.000 kết luận thanh tra đã được ngành thanh tra thực hiện, chiếm trên 60% tổng số kết luận thanh tra. Đây là kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Chính phủ, trong một số trường hợp, kết luận thanh tra còn chưa đảm bảo rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp. Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nâng cao chất lượng công tác thanh tra thông qua hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực cán bộ, quy định chặt chẽ quy trình công tác thanh tra.

Về xây dựng pháp luật, chính phủ giao Thanh tra Chính phủ xây dựng Luật Thanh tra (sửa đổi) để khắc phục hạn chế của Luật hiện hành. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Luật Thanh tra (sửa đổi). Đây là một giải pháp quan trọng sẽ góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong ngành…

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Chính phủ xác định công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực là công tác trọng tâm, đồng thời chỉ đạo bộ, ngành địa phương thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý nghiêm tham nhũng, kiểm soát tài sản thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng, phòng chống tham nhũng trong khối ngoài nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục về lĩnh vực này.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một số tồn tại hạn chế trong công tác này, Chính phủ sẽ tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tiếp tục khắc phục trong thời gian tới; đảm bảo phát huy vai trò của ngành Thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Hoàn thiện các quy định và tăng cường các biện pháp, chế tài để thu hồi tài sản tham nhũng

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận định, Phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, có trọng tâm, trọng điểm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được quan tâm tăng cường, đã góp phần quan trọng trong kiểm soát quyền lực nhà nước và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Ngành thanh tra đã tổ chức triển khai định hướng chương trình thanh tra hằng năm có trọng tâm, trọng điểm. Kịp thời phát hiện, kiến nghị xử lý nghiêm các vụ việc, hành vi vi phạm pháp luật, vừa đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giảm chồng chéo, hạn chế phát sinh phiền hà, sách nhiễu đối với người dân, doanh nghiệp.

051120220211-z3856055994082_7fea42a9b149d914223f56afa30c2bdf.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thanh tra

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vẫn còn có những tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước, cần tiếp tục có những giải pháp khả thi nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định, phiên chất vấn đối với Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong ngày hôm nay đã nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, trong đó, có 31 đại biểu chất vấn, 8 ý kiến tranh luận, còn 29 đại biểu đã đăng ký nhưng không còn đủ thời gian để Tổng Thanh tra trả lời trước Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội gửi câu hỏi chất vấn để Tổng Thanh tra Chính phủ trả lời bằng văn bản và gửi đến Tổng Thư ký Quốc hội để tổng hợp.

Qua báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội và diễn biến phiên chất vấn, để phát huy kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tập trung thực hiện tốt các yêu cầu:

Một là, khẩn trương triển khai thực hiện Luật Thanh tra (sửa đổi) được thông qua tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV; sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy định chi tiết thi hành bảo đảm có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Luật. Kiện toàn tổ chức bộ máy, sắp xếp các cơ quan thanh tra, đội ngũ thanh tra viên và người làm công tác thanh tra, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và vi phạm pháp luật trong giai đoạn mới.

1(1).jpg

Hai là, tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển ngành Thanh tra đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tiếp theo. Xây dựng Định hướng chương trình thanh tra, Kế hoạch thanh tra hàng năm bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm; tăng cường thanh tra công tác quản lý nhà nước và trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ được giao, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, địa phương dễ phát sinh nhiều vi phạm, tham nhũng, tiêu cực, nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo, dư luận xã hội quan tâm (như lĩnh vực ngân hàng, quản lý và sử dụng đất đai, kinh doanh xăng dầu…). Quan tâm triển khai nghiêm túc các cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ba là, đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành thanh tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành kết luận thanh tra. Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, bảo đảm chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; tăng cường theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra, tăng tỷ lệ thu hồi tiền và tài sản. Bảo đảm 100% các vụ việc khi thanh tra phát hiện có dấu hiệu tội phạm đều được chuyển ngay hồ sơ đến cơ quan điều tra xử lý theo thẩm quyền; chuyển danh sách tổ chức Đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm đến cơ quan kiểm tra Đảng để xem xét xử lý theo quy định của Đảng. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra. Nâng cao chất lượng công tác giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra; chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng theo dõi, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm. Tăng cường công khai, minh bạch trong hoạt động thanh tra.

Bốn là, phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước để trao đổi, thống nhất, xử lý chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, bảo đảm sự kế thừa kết quả thanh tra, kiểm toán; không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm toán quá 1 lần/năm về 1 nội dung đối với 1 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.

Năm là, quán triệt và thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là Kết luận số 12-KL/TW, ngày 6.4.2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 2.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Khẩn trương xây dựng Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2030 và kế hoạch thực hiện Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức. Khẩn trương xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; sau năm 2025, thực hiện chuyển đổi số 100% công tác kiểm soát tài sản, thu nhập bằng việc sử dụng công nghệ số, dữ liệu số. Sớm ban hành bộ tiêu chí đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng đối với bộ, ngành trung ương làm cơ sở để thống nhất đánh giá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước.

Sáu là, hoàn thiện các quy định và tăng cường các biện pháp, chế tài để thu hồi tài sản tham nhũng. Tích cực, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Tăng cường hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Bảy là, xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thật sự có bản lĩnh, liêm chính, trong sạch. Có chính sách đãi ngộ hợp lý, tạo động lực yên tâm công tác. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung tuyên truyền, phản ánh trung thực, kịp thời kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng cũng như việc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, xã hội quan tâm.

Trường Giang