Tập trung xây dựng chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Trong nước - Ngày đăng : 17:27, 04/11/2022
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, chiều 4/11, trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Cà Mau) khẳng định trọng dụng nhân tài và thưởng phạt nghiêm minh là thuật dùng người, quy luật trị quốc muôn đời. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ dám làm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã tham mưu, đề xuất gì với Chính phủ để biến chủ trương này thành các quy tắc xử sự chung với toàn bộ máy nhà nước?
Trả lời đại biểu Lê Thanh Vân, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà khẳng định đây là 2 ý mà Bộ Nội vụ quan tâm rất sâu sắc. Chúng ta đều biết, có thể nói trọng dụng nhân tài là truyền thống của dân tộc ta. Điều này thể hiện rõ trong các Nghị quyết, Văn kiện, Kết luận,.. Đại hội 13 vừa qua cũng nhấn mạnh việc này.
Nhìn ra thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore đều chú trọng và khuyến khích nhân tài.
Để cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 140 triển khai thực hiện. Trong thời gian thực hiện từ 2018 tới nay, chưa nhiều, mới thu hút 258 sinh viên xuất sắc và nhà khoa học. Nhưng các địa phương rất chú trọng việc này. Đó là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc,… thông qua HĐND xây dựng chính sách phù hợp trọng dụng nhân tài. Các địa phương đã thu hút được sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ gần 3.000 người. Thực tiễn này quá ít ỏi, số lượng này làm việc trong khu vực công.
Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án chiến lược quốc gia thu hút trọng dụng nhân tài, có cơ chế chính sách tốt hơn, hấp dẫn hơn.
Thủ tướng đang đôn đốc để làm sao năm tới 2023 sẽ có Nghị định bao quát hơn, để có bộ chính sách để trọng dụng nhân tài. Cùng với đó, đương nhiên khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm theo Kết luận số 14 của Bộ Chính trị.
Việc này các đại biểu cũng đang mong đợi, vì chưa có cơ chế này, trong khi hệ thống thể chế có những mặt chưa đồng bộ, có mặt xung đột lẫn nhau, chưa đảm bảo đồng bộ cho cán bộ làm.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, chúng tôi đang xây dựng một nghị định để cụ thể hóa Kết luận 14 của Bộ Chính trị.
Trước đó, theo báo cáo giải trình trước phiên chất vấn được Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà gửi tới các đại biểu Quốc hội, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, số lượng cán bộ công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao.
Trong đó, ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96% (công chức là 1.505 người, chiếm 21,19%; viên chức là 5.597 người chiếm 78,81%); ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04% (công chức là 2.524 người, chiếm 7,78%; viên chức là 29.926 người, chiếm 92,22%).
Về sắp xếp theo trình độ đào tạo, báo cáo nêu có 653 tiến sĩ, chiếm 1,65%; 4.018 Thạc sĩ (chiếm 10,16%); Bác sĩ Chuyên khoa I có 1.066 người (chiếm 2,70%); 133 Bác sỹ chuyên khoa II (chiếm 0,33%); Đại học có 19.637 người (chiếm 49,65%); Cao đẳng có 6.027 người (chiếm 15,24%); Trung cấp có 6.972 người (chiếm 17,63%); Sơ cấp có 1.046 người (chiếm 2,64%).
Ngoài những nguyên nhân khách quan như chuyển việc để phù hợp với chuyên môn được đào tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc, tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới "làn sóng" nghỉ việc.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng dẫn đến việc bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế).
Đối với lĩnh vực sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đánh giá công tác này đã và đang triển khai theo tinh thần của các Nghị quyết của Đảng đã đạt được những kết quả tích cực. Đây là một thành tựu và là một kết quả nổi bật nhất trong giai đoạn vừa qua.
Tính đến 30/6/2022, tổng số đối tượng được giải quyết chính sách tinh giản biên chế ở các Bộ, ngành, địa phương là 78.234 người (chiếm 22,6% so với giai đoạn 2016-2021). Trong đó, các Bộ, ngành là 5.451 người và địa phương là 72.783 người.
Số liệu thống kê cho thấy, biên chế công chức các cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước giảm 10,01%; biên chế viên chức các cơ quan, tổ chức hành chính Nhà nước giảm 11,67%; công chức cấp xã đã giảm được 9% so với số năm 2015. Như vậy, tính chung cả nước đã đạt được mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ thừa nhận, việc quản lý, sử dụng biên chế vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn nhất định như sử dụng biên chế viên chức để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước tại các cơ quan, tổ chức hành chính. Định mức biên chế sự nghiệp lạc hậu nhưng chưa được các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực sửa đổi, đặc biệt lĩnh vực giáo dục - đào tạo và y tế (chiếm trên 89,4% số biên chế sự nghiệp)…
Về kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Nội vụ cho biết đã được tập trung triển khai thực hiện theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và các quy định của Quốc hội và Chính phủ. Tính đến 30/9/2022, các Bộ, ngành Trung ương giảm được 17 tổng cục và tổ chức tương đương Tổng cục; giảm 8 Cục thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm 145 Vụ/Ban thuộc Tổng cục và thuộc Bộ; giảm được 90% phòng trong Vụ.
Các địa phương giảm được 7 Sở và 2.159 Phòng thuộc Sở và thuộc UBND cấp huyện.
Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý của các Bộ, ngành, địa phương đến nay có 47.744 đơn vị (giảm 7.469 đơn vị, đạt 13,5%).