Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Khoáng sản Việt Nam
Khoáng sản - Ngày đăng : 23:59, 02/11/2022
Cục Khoáng sản Việt Nam là tổ chức trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoáng sản trên phạm vi cả nước; tổ chức thực hiện các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật. Cục Khoáng sản Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, có trụ sở tại thành phố Hà Nội.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Cục Khoáng sản
1. Trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:
a) Dự án luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội; dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; dự thảo nghị định, nghị quyết của Chính phủ; dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; cơ chế, chính sách và các văn bản quy phạm pháp luật khác về khoáng sản;
b) Chiến lược, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án về khoáng sản;
c) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về khoáng sản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Cục;
d) Ý kiến về khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; hồ sơ đề nghị phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập;
đ) Ý kiến về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các
loại khoáng sản do các bộ, ngành, địa phương xây dựng;
e) Khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản;
g) Quyết định việc thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình theo quy định; quyết định việc khai thác hoặc không khai thác khoáng sản tại khu vực có dự án, công trình quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội hoặc dự án, công trình quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi phát hiện có khoáng sản;
h) Cấp, gia hạn, điều chỉnh, thu hồi, chấp thuận trả lại, chấm dứt hiệu lực Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản; cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản; chấp thuận trả lại một phần diện tích khu vực thăm dò, khu vực khai thác khoáng sản; phê duyệt đề án đóng cửa mỏ khoáng sản, quyết định đóng cửa mỏ khoáng sản; chấp thuận kế hoạch thăm dò nâng cấp trữ lượng khoáng sản; cho phép khai thác khoáng sản đi kèm thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
i) Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
k) Phê duyệt chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả đối với Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Tổ chức tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Tổ chức thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản theo Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Thống kê trữ lượng khoáng sản; kiểm kê trữ lượng đã khai thác, trữ lượng khoáng sản còn lại theo Giấy phép khai thác thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
5. Tổng hợp thông tin, số liệu trên phạm vi cả nước về: thống kê, kiểm kê tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; các khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản; khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; tình hình thực hiện các quy định của pháp luật về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
6. Kiểm soát hoạt động khoáng sản trên phạm vi cả nước.
7. Kiểm tra, rà soát văn bản, tài liệu hồ sơ đề nghị phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập.
8. Kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luật về:
a) Nội dung Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản thuộc thẩm quyền cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường; Đề án thăm dò khoáng sản; Đề án đóng cửa mỏ khoáng sản thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Công tác tính tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, xác định chi phí đánh giá tiềm năng khoáng sản, chi phí thăm dò khoáng sản phải hoàn trả thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
9. Chủ trì kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khoáng sản; theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ chính sách phát triển bền vững khoáng sản, hoạt động khoáng sản, chính sách bảo vệ quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác.
10. Theo dõi, đánh giá, tổng hợp, trình Bộ trưởng báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.
11. Quản lý, lưu trữ, khai thác, cung cấp thông tin, hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản, đóng cửa mỏ khoáng sản. Xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động khoáng sản.
12. Tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý của Cục.
13. Chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc phạm vi quản lý của Cục.
14. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Cục theo phân công của Bộ trưởng.
15. Về hợp tác quốc tế:
a) Tham gia đàm phán các điều ước, thỏa thuận quốc tế về khoáng sản; tổ chức thực hiện các điều ước, thỏa thuận quốc tế về khoáng sản theo phân công hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch, chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế, diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế về khoáng sản sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
16. Tổ chức thực hiện cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng, chống lãng phí, tiêu cực và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý của Cục theo chương trình, kế hoạch của Bộ.
17. Quản lý tài chính, kế toán, tài sản thuộc Cục; thực hiện trách nhiệm của đơn vị dự toán cấp II đối với các đơn vị trực thuộc Cục theo quy định của pháp luật.
18. Quản lý tổ chức, biên chế, vị trí việc làm; công chức, viên chức, người lao động thuộc Cục theo quy định của pháp luật và theo phân công của Bộ trưởng.
19. Báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao.
20. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng phân công.
Quy định về Cơ cấu tổ chức
Cục gồm có: Văn phòng; Phòng Thẩm định hồ sơ hoạt động khoáng sản; Phòng Kiểm soát hoạt động khoáng sản; Phòng Kế hoạch - Tài chính và Kinh tế khoáng sản;Chi cục Khoáng sản miền Trung (tại thành phố Đà Nẵng);Chi cục Khoáng sản miền Nam (tại Thành phố Hồ Chí Minh);Trung tâm Thông tin và Dữ liệu khoáng sản. Văn phòng và các tổ chức quy định từ khoản 5 đến khoản 7 Điều này là đơn vị dự toán cấp III có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Cục Khoáng sản Việt Nam có Cục trưởng và không quá 03 Phó Cục trưởng.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023.