Tập trung cảnh báo tới các địa phương tình hình gió ở ven biển và trên bờ

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:35, 14/10/2022

(TN&MT) - Chiều 14/10, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái đã chủ trì họp trực tuyến thảo luận về dự báo bão số 5, mưa lớn, lũ.

Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT, Tổng cục KTTV; kết nối trực tuyến đến một số Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố.

a-thai.jpg
Ông Trần Hồng Thái phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to

Theo Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 16 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão số 5 ở vào khoảng 14,5 độ Vĩ Bắc; 110,9 độ Kinh Đông cách Đà Nẵng-Quảng Nam khoảng 210km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h.

Trong 24 giờ tới, vị trí bão số 5 trên khu vực đất liền khu vực Đà Nẵng-Quảng Ngãi, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia) cho biết, do ảnh hưởng của bão, từ chiều tối ngày 14/10 đến chiều tối ngày 16/10, ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to; riêng khu vực từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa rất to.

Mưa lớn ở khu vực từ Quảng Bình đến Bình Định và khu vực Bắc Tây Nguyên có khả năng còn kéo dài đến hết ngày 16/10. Tổng lượng mưa tích lũy cả đợt tính đến hết ngày 16/10 ở khu vực Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai 150-200mm, có nơi trên 250mm; Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam 400-500mm, có nơi trên 700mm;   Quảng Ngãi 300-400mm, có nơi trên 500mm; Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa 70-150mm, có nơi trên 200mm.

6868.gif
Hướng di chuyển của bão số 5. Ảnh: TTDB KTTV QG

Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cũng cho biết, từ hôm nay (14/10) đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10m, hạ lưu từ 1,5-5,0m. Đỉnh lũ trên các sông chính từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi và Kon Tum khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình, Bình Định, Phú Yên và Gia Lai lên mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.

Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở trung du, vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên, Kon Tum và Gia Lai. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu.

Trên biển, ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh. Dự báo, đêm 14/10 và ngày 15/10, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 4,0-6,0m;

Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Quảng Trị đến Phú Yên (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) có mưa bão; gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, biển động mạnh, sóng biển cao từ 3,0-5,0m; ở vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 2,0-4,0m.

Cảnh báo, đêm 15/10 và ngày 16/10, ở khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động; sóng biển cao từ 3,0-5,0m. Toàn bộ tàu thuyền và các hoạt động khác tại các vùng biển trên đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn.

Cảnh báo được các khu vực lũ quét, sạt lở đất

Tại cuộc họp, các chuyên gia dự báo đã cùng thảo luận về diễn biến cơn bão số 5 ở các khía cạnh cường độ, thời điểm tác động trực tiếp và mạnh nhất đến khu vực ven bờ và đất liền; chi tiết hóa phân bố mưa về không gian và thời gian; công tác dự báo của các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV các tỉnh, thành phố.

Lãnh đạo Đài KTTV khu vực Nam Trung Bộ cho biết, từ hôm qua đến nay, mưa chủ yếu diễn ra ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa. Lượng mưa ở Phú Yên cao nhất khoảng từ 60-100mm, còn lại Khánh Hòa, Bình Định phổ biến từ 30-60mm. Nước lũ trên các sông khu vực Nam Trung Bộ đang xuống. Riêng sông Ba, sông Côn vẫn ở trên BDD2. Các hồ chưa ở Bình Định dung tích đạt 40-60%, tỉnh đã chỉ đạo các chủ hồ chứa biết để chủ động đón lũ. Các hò từ Phú Yên đến Bình Thuận đạt khoảng 70%. Hiện một số hồ thủy điện,thủy lợi có dung tích lớn trong khu vực đang điều tiết xả tràn.

Về công tác chuẩn bị của Đài KTTV khu vực, sau khi có văn bản chỉ đạo của Tổng cục, Đài đã ban hành văn bản chỉ đạo các Đài KTTV tỉnh, thành phố, các Trạm KTTV tăng cường công tác quan trắc. Hiện hệ thống mạng lưới trạm hoạt động ổn định, nhân lực sẵn sàng cho công tác dự báo. Hệ thống cảnh báo dự báo của Đài đã thực hiện các bản tin theo quy định, thường xuyên trao đổi với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN địa phương.

img_3535.jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Bày tỏ sự thống nhất với ý kiến các chuyên gia dự báo tại cuộc họp, phát biểu kết luận, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái cho biết, chiều nay, áp thấp nhiệt đới đã phát triển thành cơn bão số 5 trong năm nay. Như vậy, thông tin của cơ quan dự báo đưa ra đã từng bước được minh chứng. Vấn đề quan trọng nhất lúc này là kêu gọi sự quan tâm của địa phương, dự báo, cảnh báo được tác động của nó.

Theo ông Trần Hồng Thái, đến hôm nay, chúng ta đã từng bước loại trừ được các kịch bản đã vạch ra trước đó. Khả năng cao là bão sẽ đi vào bờ khu vực từ tỉnh Quảng Trị đến phía Bắc tỉnh Quảng Ngãi. Vùng mưa cũng đã được xác định rõ hơn. Với thông tin này, chúng ta cần cập nhật ngay cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố để kịp thời chỉ đạo công tác ứng phó.

“Khi bão vào gần bờ, dự báo gió sẽ hạ xuống cấp 7, khi đi vào sâu trong đất liền sẽ giảm xuống còn cấp 5, cấp 6. Nhưng gió cấp 5, cấp 6 cũng không thể coi thường. Do vậy, từ nay đến sáng mai, chúng ta cần tập trung vào cảnh báo tới các địa phương tình hình gió ở ven biển và trên bờ”, ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, hiện nay, ngành KTTV đang từng bước nâng cao chất lượng cảnh báo. Các sản phẩm dự báo KTTV đã tương đối đầy đủ. Chúng ta đã có bản đồ cảnh báo mưa 6 tiếng, 12 tiếng; có mạng lưới quan trắc khá tốt ở khu vực này. Điều cần lưu ý trong cảnh báo mưa hiện nay là chúng ta cần làm bản tin rõ hơn, truyền tải thông tin rõ ràng để người dân và các cơ quan hiểu rõ, phân biệt được lượng mưa 6 tiếng, mưa ngày, mưa một đợt 3 ngày và mưa cả đợt.

Với lượng mưa được dự báo trong cơn bão số 5, ông Trần Hồng Thái cho rằng nguy cơ ngập lụt, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Phú Yên và khu vực Tây Nguyên là rất cao. Hoan nghênh các Đài KTTV khu vực đã chi tiết bản tin lũ quét, sạt lở đất đến cấp xã, các cung đường, tuy nhiên cần lưu ý hình thức bản tin phải mang tính phổ quát hơn, phải phân cấp giữa trung ương và địa phương. Trong đó, Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia sẽ đưa bản tin ở cấp tỉnh, cấp huyện; các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh, thành phố đưa đến cấp xã.

Thanh Tùng