Góp ý dự thảo Khung hướng dẫn đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường tại Việt Nam
Tài nguyên nước - Ngày đăng : 16:31, 12/10/2022
Hội thảo nhằm tham vấn ý kiến của các đại biểu, các nhà quản lý và cơ quan, đơn vị trong Bộ Tài nguyên và Môi trường về bản khung đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường ở Việt Nam phục vụ cho công tác triển khai thực hiện xác định dòng chảy tối thiểu thí điểm cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Ông Ngô Mạnh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, trong khuôn khổ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Úc trong lĩnh vực tài nguyên nước, thời gian qua, Cục và các cơ quan, đối tác về nước thuộc Chính phủ Úc đã thống nhất thực hiện chương trình xây dựng và thí điểm thực hiện đánh giá dòng chảy môi trường ở Việt Nam nhằm hỗ trợ Cục trong việc xác định dòng chảy môi trường.
Luật Tài nguyên nước 2012 đã định nghĩa rất rõ về dòng chảy tối thiểu. Thực hiện Luật Tài nguyên nước 2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 64/2017/TT-BTNMT Quy định về xác định dòng chảy tối thiểu trên sông, suối và hạ lưu các hồ chứa, đập dâng, thời gian qua, việc ban hành kịp thời hướng dẫn xác định dòng chảy tối thiểu trên sông và các đập, hồ chứa đã góp phần quan trọng vào công tác quản lý tài nguyên nước tại Việt Nam.
Đặc biệt là hỗ trợ hiệu quả cho các cơ quan quản lý trong quá trình ra quyết định điều hòa, điều phối nguồn nước trên các lưu vực sông đảm bảo các hoạt động khai thác, sử dụng cũng như đảm bảo môi trường ở hạ lưu các lưu vực sông.
Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, xét về khái niệm thì dòng chảy môi trường và dòng chảy tối thiểu đều hướng tới sự đảm bảo duy trì hệ sinh thái và góp phần khai thác, sử dụng nước của người dân.
Tuy nhiên, việc xác định dòng chảy môi trường trên cơ sở xem xét đầy đủ chế độ dòng chảy, chất lượng nước đặc biệt là nhấn mạnh đến đảm bảo sự phát triển bình thường của các hệ sinh thái thủy sinh. Vì vậy, dự án được xây dựng với mục tiêu hỗ trợ xây dựng, hướng dẫn đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường ở Việt Nam.
Trong đó, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để xác định dòng chảy môi trường trên cơ sở xem xét đầy đủ các yếu tố, bao gồm cả hệ sinh thái thủy sinh, chế độ dòng chảy, từ đó, áp dụng cho các lưu vực sông ở Việt Nam. Đến nay, kết quả bước đầu thực hiện đã xây dựng được dự thảo khung hướng dẫn đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện Trung tâm Thông tin - Kinh tế tài nguyên nước (Cục Quản lý tài nguyên nước) giới thiệu về các quy định và tình hình thực hiện đánh giá, xác định dòng chảy môi trường ở Việt Nam. Cùng với đó, Nhóm chuyên gia thực hiện dự án cũng đã giới thiệu tổng quan về Khung hướng dẫn: Các nguyên tắc; các yếu tố ảnh hưởng và nội dung.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Robert Speed - đại diện Nhóm thực hiện dự án cho biết, để hỗ trợ Cục Quản lý tài nguyên nước đạt được mục tiêu ban hành giá trị dòng chảy môi trường cho tất cả các lưu vực sông lớn trong cả nước. Khung đã xác định các thành phần chính của hệ thống để đánh giá và thực thi dòng chảy môi trường ở Việt Nam. Khung miêu tả các yêu cầu pháp lý, chính sách, kỹ thuật và phương pháp quản trị để thiết lập các giá trị dòng chảy môi trường.
Mục đích của Khung là cung cấp hướng dẫn cho Cục Quản lý tài nguyên nước về: Các yếu tố chính cần thiết để thiết lập các dòng chảy môi trường (môi trường thuận lợi, đánh giá và thực hiện); các lựa chọn chính sách và cân nhắc trong việc phát triển và thực hiện Khung; mối quan hệ giữa các yếu tố khác nhau của Khung. “Hướng dẫn này được Cục Quản lý tài nguyên nước áp dụng như là phương pháp tiếp cận tiêu chuẩn để đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường theo Luật tài nguyên nước” - Ông Robert Speed cho biết.
Ông Robert Speed cũng cho biết, Luật Tài nguyên nước năm 2012 định nghĩa dòng chảy tối thiểu là “Dòng chảy ở mức thấp nhất cần thiết để duy trì dòng sông hoặc một đoạn sông nhằm đảm bảo sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh và bảo đảm mức tối thiểu cho hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước”.
Qua các cuộc thảo luận với đại diện Cục Quản lý tài nguyên nước đã xác nhận rằng định nghĩa “dòng chảy tối thiểu” của Luật Tài nguyên nước năm 2012 đề cập đến chế độ dòng chảy đầy đủ và phù hợp với khái niệm “dòng chảy môi trường”. Đây là một cách giải thích hợp lý dựa trên nhu cầu về dòng chảy tối thiểu theo quy định để “đảm bảo sự phát triển bình thường của hệ sinh thái thủy sinh”.
Việc đảm bảo như vậy sẽ đòi hỏi phải xem xét chế độ dòng chảy đầy đủ (bao gồm cả sự biến động dòng chảy nội sinh và ngoại sinh hàng năm) và không áp dụng một giá trị dòng chảy tối thiểu duy nhất trong cả năm. Do đó, hoạt động này đã được thiết kế với giả định rằng bất kỳ yếu tố tham khảo nào đề cập đến dòng chảy tối thiểu trong các chính sách, kế hoạch và hệ thống cho phép của Việt Nam đều đề cập đến nhu cầu về dòng chảy môi trường.
Trên cơ sở các nội dung được trình bày tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, góp ý về dự thảo Khung hướng dẫn đánh giá và thực hiện dòng chảy môi trường ở Việt Nam. Các ý kiến cũng tập trung vào tổng quan về Khung; phương pháp đánh giá dòng chảy môi trường và các hướng dẫn liên quan;… nhằm xây dựng được Khung hướng dẫn khoa học, phù hợp và có thể áp dụng tại Việt Nam góp phần phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.