Ấm no hơn từ xanh đồng sạch đất

Môi trường - Ngày đăng : 09:27, 06/10/2022

(TN&MT) - Có một Cần Thơ xanh hơn, sạch hơn, ấm no hơn từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn và bảo vệ môi trường. Khi trên các cánh đồng, chất lượng cây trồng, vật nuôi được nâng lên, thì trong cuộc sống, đời sống, thu nhập của người dân cũng được cải thiện. Những vùng khó khăn của Cần Thơ đang gần hơn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Tăng xanh, sạch để… giảm nghèo

Men theo Quốc lộ 61C, hòa vào tiếng gió vi vu, văng vẳng đâu đây tiếng hò nhộn nhịp của cô chú nông dân xứ Tây đô trên đồng lúa đang mơn mởn một màu xanh: Hò ơ/ Chiều về ngắm cảnh đồng quê/ Mênh mông ruộng lúa bốn bề tươi xanh…

13-2-.jpg

Tận dụng các phụ phẩm dồi dào sau thu hoạch làm phân hữu cơ đang là giải pháp được nhiều người dân Cần Thơ áp dụng.

Khung cảnh này làm tôi nhớ lại, cách nay hơn chục năm, cứ sau mỗi vụ thu hoạch lúa là những buổi đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng của người nông dân Cần Thơ. Việc làm này, đối với người dân là chuyện rất bình thường, nhưng họ đâu biết rằng, đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm không khí, nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông mà còn lãng phí nguồn nguyên liệu dồi dào phục vụ cho trồng trọt, chăn nuôi. Nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy sản xuất, góp phần BVMT, ngành chức năng Cần Thơ đã triển khai nhiều mô hình nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân cách xử lý phụ phẩm, chất thải làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

13-3-.jpg

Nông dân Cần Thơ dùng rơm phủ lên các liếp đất tạo độ ẩm, giúp cây trồng phát triển xanh, tốt, đảm bảo năng suất.

Thấy được những lợi ích của phụ phẩm trong trồng trọt, chăn nuôi, mấy năm gần đây, sau khi thu hoạch 4 công lúa xong, ông Nguyễn Văn Cường ở ấp Nhơn Thuận 1, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ thường giữ lại phần mà nhẽ ra sẽ đem đốt bỏ, rồi phủ lên các liếp đất để tạo độ ẩm trồng rau màu, dùng rơm trộn lẫn với chất thải chăn nuôi ủ thành phân hữu cơ bón cho cây trồng. Phấn khởi trước thành quả của mình, ông chia sẻ: “Cách làm này đã giúp gia đình tôi giảm chi phí đầu tư, tăng nguồn thu. Khoảng 3 năm trở lại đây, kinh tế gia đình khấm khá hơn, có của ăn của để và có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, lo cho con cái ăn học đàng hoàng…”.

Đó cũng là tâm trạng của ông Lê Văn Hoàng ở ấp Nhơn Thuận 2, xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP. Cần Thơ. Nắm tay tôi, người đàn ông hồ hởi nói: “Trước đây, gia đình tôi có tới 11 công đất chuyên trồng lúa 3 vụ/năm, nhưng cuộc sống gia đình vẫn luôn lâm vào tình cảnh “thiếu trước, hụt sau”. Không chấp nhận cảnh nghèo khó, năm 2018, tôi mạnh dạn chuyển đổi 11 công đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và áp dụng canh tác sạch để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và BVMT. Sau hơn một năm cần cù chăm sóc, vườn cây giờ đã cho thu hoạch, đem lại cuộc sống ấm no cho gia đình”.

Từ năm 2020 trở lại đây, mỗi năm, trừ đi tất cả các chi phí, vợ chồng ông Hoàng cũng bỏ túi hơn 100 triệu đồng từ vườn cây ăn trái. Số tiền này không những giúp cuộc sống hằng ngày của gia đình ông đỡ vất vả hơn trước, mà còn tích lũy được số vốn giúp con cái làm ăn, cất được nhà và dành một phần để tiết kiệm. Mới đây, con trai cả lập gia đình và ra ở riêng, ông đã hỗ trợ hơn 200 triệu đồng xây một căn nhà tường kiên cố trên mảnh đất gần 100m2. Không chỉ thế, ông còn mua thêm một mảnh đất 3.000m2 làm “của để dành” lúc về già.

Ngoài việc tận dụng các phụ phẩm trong trồng trọt để trồng rau màu, làm phân hữu cơ, nhiều nông dân ở các xã Trường Long, Giai Xuân (huyện Phong Điền); thị trấn Cờ Đỏ, xã Thạnh Phú (huyện Cờ Đỏ) còn tận dụng một số loại trái cây hỏng như chuối, mít, ổi để nuôi ốc, cá,… tạo thêm nhiều nguồn thu cho gia đình, giúp cho đời sống ngày càng tốt hơn. Đơn cử như hộ ông Đào Hoa ở xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ, mấy năm nay, ông tận dụng phụ phẩm trong trồng trọt để bổ sung thêm nguồn thức ăn cho cá, mỗi năm thu nhập thêm hơn chục triệu đồng.

Đồng hành với người dân

Cùng với xu thế chung của xã hội, những năm gần đây, các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ trên địa bàn TP. Cần Thơ đang có sự phát triển vượt bậc, song, nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển chung của thành phố, tạo công ăn, việc làm, thu nhập cho hàng ngàn nông dân. Tuy nhiên, quá trình phát triển ngành nông nghiệp thời gian qua cũng để lại nhiều hệ lụy đối với môi trường, sức khỏe con người do lạm dụng quá nhiều phân hóa học bón cho cây trồng, thải bỏ các chất thải ra sông, kênh rạch làm ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng hệ sinh thái.

13-4-.jpg

Bảo vệ môi trường trong sản xuất, sinh hoạt góp phần quan trọng xây dựng Cần Thơ ngày càng xanh - sạch - đẹp, xứng đáng là Thành phố ASEAN bền vững về môi trường.

Xác định công tác BVMT trong trồng trọt, chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của TP. Cần thơ để hướng đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hiện thực hóa nhiệm vụ này, TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thực hiện mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường. Mới đây, Hội Nông dân TP. Cần Thơ đã triển khai mô hình này tại một số xã thuộc hai huyện Thới Lai và Cờ Đỏ, bước đầu đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP. Cần Thơ: “Mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường đang mang lại nhiều kết quả tích cực. Việc người nông dân tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, giảm phân bón hóa học đã hạn chế ô nhiễm môi trường do rác hữu cơ gây ra; tăng chất lượng đất canh tác trên đồng ruộng, tăng giá trị hạt gạo khi đưa ra thị trường. Mô hình này đã giúp nhiều hội viên Hội Nông dân trên địa bàn thành phố chúng tôi thoát nghèo bền vững”.

13-1-.jpg

Không những thế, phát huy sức mạnh của gần 78.700 hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân TP. Cần Thơ còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân tham gia BVMT. Một trong những hoạt động trọng tâm đang được triển khai thực hiện là thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Ông Nguyễn Văn Nguyên ở xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ cho biết: “Qua công tác tuyên truyền của cơ quan chức năng về những độc hại từ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, tôi đã dần thay đổi thói quen, không còn vứt rác thải nông nghiệp tại bờ ruộng hay góc vườn nữa. Rác thải nông nghiệp phát sinh, tôi đều gom vào thùng lưu chứa chờ được thu gom, hạn chế ô nhiễm môi trường”.

Trò chuyện với phóng viên về những điểm tích cực trong công tác BVMT trên địa bàn thành phố thời gian qua, ông Nguyễn Chí Kiên - Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ tâm sự chân tình: “Từ sản xuất sử dụng nguyên liệu sạch và hoạt động thu gom, phân loại, xử lý chất thải trong sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của các hội viên Hội nông dân, chất lượng môi trường ngày càng được nâng lên, bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nông nghiệp cũng ngày càng khẳng định được uy tín, thương hiệu sạch để thu hút khách hàng nhiều hơn. Có thể nói, nghĩ sạch, hành động sạch đã “đuổi” cái nghèo vắng bóng dần trên mảnh đất này. Đó còn là một trong những yếu tố giúp thành phố giữ vững danh hiệu Thành phố ASEAN bền vững về môi trường. Quả thật, nếu không đổi thay tư duy cùng với đổi thay hành động thì mãi mãi dậm chân trên mảnh đất ô nhiễm và nghèo nàn, anh ạ”.

Lê Hùng