PVFCCo tổ chức hội thảo "Kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác BDTT Nhà máy Đạm Phú Mỹ"
Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 22:13, 17/09/2022
Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó trưởng Ban Công nghiệp Khí và Lọc hóa dầu Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (Petrovietnam) cùng lãnh đạo Phòng và chuyên viên chính của Ban.
Về phía PVFCCo có ông Lê Cự Tân, Tổng giám đốc Tổng công ty (TCT) cùng ông/bà trong Ban Tổng giám đốc TCT, lãnh đạo Nhà máy, lãnh đạo các Ban, Văn phòng TCT cùng đội ngũ các chuyên gia, chuyên viên, kỹ sư NM ĐPM.
Buổi Hội thảo có sự tham dự, trình bày tham luận và trao đổi kinh nghiệm của khách mời là đại diện đến từ các đơn vị: Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Công ty cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC), Tổng Công ty Khí Việt Nam (PVGAS).
Từ khi đưa vào vận hành đến nay, Nhà máy Đạm Phú Mỹ đã trải qua 7 kỳ BDTT với thời gian giữa 02 kỳ BDTT dao động từ 17 đến 28 tháng đã giúp duy trì tình trạng vận hành ổn định của Nhà máy trong suốt gần 20 năm. Theo Chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 của PVFCCo, một định hướng phát triển quan trọng của PVFCCo trong lĩnh vực sản xuất đó là duy trì vận hành ổn định, an toàn và hiệu quả sản xuất các nhà máy đang vận hành.
Với mong muốn tối ưu công tác BDTT để nâng cao hiệu quả hoạt động vận hành, bảo dưỡng của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, TCT đã giao Ban Kỹ thuật An toàn phối hợp Nhà máy triển khai dự án kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác BDTT.
Tổng giám đốc PVFCCo Lê Cự Tân bày tỏ mong muốn rằng, với sự quy tụ của đội ngũ chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của Petrovietnam và các đơn vị, hội thảo sẽ mang đến nhiều bài tham luận chất lượng, các trao đổi thảo luận thẳng thắn, giúp cho đề tài “Kéo dài chu kỳ và tối ưu BDTT” của PVFCCo hoàn thành mục tiêu đề ra, mỗi đại biểu tham dự hội nghị có được những kinh nghiệm bổ ích, quý giá, góp phần tối ưu công tác BDTT của mỗi Nhà máy trong tương lai; ngoài ra còn tạo được sự gắn kết, trao đổi thông tin kịp thời của đội ngũ chuyên gia, hỗ trợ nhau kịp thời trong công việc.
Hội thảo đã nghe các đại biểu trình bày các tham luận về: “Đánh giá tổng quan hiện trạng về công tác BDTT của Nhà máy Đạm Phú Mỹ” của Ban Kỹ thuật an toàn PVFCCo; “Công tác kiểm định thiết bị áp lực tại NM khí NCS” của đại diện đến từ Nhà máy khí Nam Côn Sơn; “Công tác cải tiến để kéo dài chu kỳ và tối ưu BDTT tại NMLD Dung Quất” của đại diện từ BSR; “Công tác lập kế hoạch BDTT” của NM Đạm Cà Mau; “Nghiên cứu đề xuất, kiến nghị giải pháp kéo dài chu kỳ và tối ưu công tác BDTT” của Ban KTAT PVFCCo…
Sau mỗi tham luận, các đại biểu đã thảo luận làm rõ, đưa ra những ý kiến đóng góp, trao đổi kinh nghiệm thiết thực, bổ ích đối với từng vấn đề được đặt ra. Trong đó, các ý kiến tập trung làm rõ nội dung liên quan đến các kinh nghiệm, các giải pháp, kế hoạch, dự phòng thiết bị máy móc để Nhà máy duy trì vận hành an toàn, tối ưu chi phí trong điều kiện chu kỳ BDTT...
Theo đánh giá về hiệu quả của nhóm tác giả đề tài, việc giãn chu kỳ BDTT từ 2 năm/lần lên 3 năm/lần sẽ giúp TCT tiết giảm chi phí BDTT hàng năm, đồng thời tăng thêm thời gian vận hành hàng năm. Tuy nhiên, việc áp dụng không phải dễ dàng, theo đó nhóm tác giả đưa ra 3 nhóm giải pháp: Tăng cường áp dụng biện pháp quản lý, kiểm soát và kiểm tra thiết bị; Liên tục đánh giá tình trạng hệ thống/ thiết bị để lên kế hoạch bảo dưỡng chủ động; Thực hiện giải pháp và kế hoạch kiểm tra, kiểm định theo quy định.
Đối với giải pháp tối ưu hoá công tác BDTT, nhóm tác giả đưa ra kế hoạch thực hiện như sau: Xây dựng quy trình BDTT số hoá để tối đa việc số hoá/tự động hoá các công đoạn, thủ tục trong BDTT; Cải tiến CMMS khâu lập kế hoạch BDTT;...
Phát biểu kết luận Hội thảo, ông Đào Văn Ngọc – Phó tổng giám đốc PVFCCo đánh giá cao các ý kiến được đưa ra trong buổi hội thảo cũng như nội dung của đề tài nghiên cứu. Đồng thời, đề nghị nhóm tác giả căn cứ trên cơ sở vận hành và tình trạng máy móc thiết bị để xây dựng các kế hoạch bảo dưỡng ở những mốc thời gian phù hợp nhất; làm rõ các nhóm giải pháp để thực hiện theo quy định; rà soát, đánh giá phần mềm quản lý bảo dưỡng, cải tiến việc sử dụng CMMS; sử dung tối đa các nguồn lực chung của các đơn vị; sớm hoàn thiện báo cáo đề tài để có thể đưa đề tài vào phê duyệt trong năm 2022 và triển khai trong năm 2023.