Doanh nghiệp bất động sản đang rời khỏi thị trường Hà Nội
Bất động sản - Ngày đăng : 19:37, 15/08/2022
Khó lấy dự án
TP Hà Nội sau 2 lần thay đổi lãnh đạo chủ chốt đã có tác động lớn đến tâm lý nhiều doanh nghiệp BĐS đang hoạt động trên địa bàn. Phần đa khi được hỏi các DN đều tỏ ra lo ngại rủi ro về độ trễ khi có sự chuyển giao chính quyền. Thêm nữa, cơ chế giao đất hiện nay bó hẹp chỉ còn 2 hình thức là đấu giá và đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư cho dự án mới. Nếu lấy dự án thông qua đấu giá thì giá sẽ rất cao. Kèm theo đó, các dự án đều phải xây thô nên lợi nhuận thu được thấp, thanh khoản khó. Với hình thức tham gia đấu thầu, chi phí tài chính sẽ thấp hơn đấu giá nhưng DN phải đối mặt với rủi ro về thời gian giải phóng mặt bằng.
“Làm các dự án đô thị tại Hà Nội hiện nay rất khó. Hệ thống cơ quan quản lý kiểm soát quá chặt chẽ, có dự án kéo dài 3-5 năm rồi vẫn chưa xong được thủ tục nên nhiều DN không còn muốn thực hiện dự án tại Hà Nội. Tôi lo ngại tình trạng này tiếp tục kéo dài thì trong vòng 2-3 năm nữa, Hà Nội không có thêm dự án mới ” – đại diện lãnh đạo DN xây dựng cho biết.
Cũng theo vị này, vài năm trở lại đây, các DN BĐS đã kéo ra các địa phương khác để đầu tư vì “cơ chế” thực hiện dự án thông thoáng, dễ làm hơn Hà Nội rất nhiều. Đặc biệt, với nhưng tỉnh có lợi thế về biển và cảng biến, khu công nghiệp, thị trường BĐS rất sôi động. DN đều có thể kiếm được lợi nhuận tốt hơn tại Hà Nội.
Theo chuyên gia cao cấp của Công ty TNHH Savills, DN BĐS đang đối mặt với 2 khó khăn lớn đó là nguồn vốn tín dụng và vướng mắc pháp lý dự án. Hiện các ngân hàng đang rà soát khả năng cho vay với BĐS. Việc siết dần dòng vốn tín dụng sẽ khiến thị trường và DN khó khăn nhiều hơn. Bên cạnh đó, yếu tố pháp lý đang tác động trực tiếp đến tiến độ của dự án BĐS khi nhiều dự án đã được chuyển nhượng thành công nhưng quá trình phê duyệt dự án từ bước có chủ trương cho đến khi có được giấy phép xây dựng mất từ 3-5 năm.
Với một loạt khó khăn như chính sách tài khóa, tiền tệ, pháp lý thì trong 3-5 năm tới, nguồn cung sẽ tiếp tục khan hiếm, các đô thị lớn như Hà Nội sẽ dần mất sức hút và tính cạnh tranh so với các vùng vệ tinh, lân cận.
Cần cơ chế mới
Tại nhiều diễn đàn BĐS, các chuyên gia kinh tế đã có rất nhiều ý kiến, đề xuất với các cơ quan quản lý nên có các cơ chế chính sách phù hợp để DN và thị trường BĐS phát triển lành mạnh, ổn định.
Trước thực tế, tình trạng thiếu hụt dự án mới đang đe dọa nguồn cung trên thị trường. Cho nên tại thời điểm này, cần có cơ chế khuyến khích DN đầu tư cho những dự án có tính khả thi cao. Để làm được điều này, các DN cần có sự hỗ trợ từ cơ chế chính sách của Chính phủ như về thuế, cải cách thủ tục hành chính, chính sách lãi suất cho vay...
Bà Lâm Thúy - Chủ tịch HĐQT MB Land cho rằng “Việc giải phóng mặt bằng là vấn đề rất khó khăn hiện nay, các DN làm việc này sẽ khó nhưng nếu có cơ quan thẩm quyền nào đứng ở giữa thì sẽ dễ dàng hơn. Nếu có chính sách đền bù cụ thể thì sẽ tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp BĐS. Chúng tôi mong rằng, các nhà quản lý cần ban hành những chính sách ngày càng bám sát thực tiễn và nếu như đi trước được nữa để DN dựa vào chính sách triển khai dự án thì sẽ tốt hơn rất nhiều. Có như vậy sẽ tạo điều kiện cho thị trường này phát triển bền vững”.
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, thị trường BĐS đang thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là các phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá trung bình. Vấn đề đặt ra hiện tại là cần làm sao để tăng nguồn cung.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã đề nghị các địa phương cần tháo gỡ thủ tục pháp lý cho các dự án để các dự án có thể triển khai được. Đồng thời, đề xuất Chính phủ cần xem xét không nên hạn chế tín dụng đối với toàn bộ các dự án bất động sản. Để gỡ vướng về pháp lý Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai….
Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.
Cùng đó, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, đất đai, quản lý thuế) nhằm bảo đảm sự thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.