Bão số 2 tác động đến khu vực Đông Bắc, cảnh báo lũ quét và sạt lở đất

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 17:27, 09/08/2022

Chiều 9/8, Tổng cục KTTV đã tổ chức cuộc họp thảo luận về diễn biến cơn bão số 2 - MULAN. Tham dự cuộc họp có Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái; các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV; đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, chiều 9/8 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 2 năm 2022 và có tên quốc tế là MULAN.

Hồi 13 giờ ngày 9/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa; cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 300km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 110km tính từ tâm bão.

1(1).jpg
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Bắc, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm. Đến 13 giờ ngày 10/8, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Đông bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 350km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 15,5 độ Vĩ Bắc; từ kinh tuyến 110,5 đến 114,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Đông Bắc của Bắc Bộ. Đến 13 giờ ngày 11/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,5 độ Vĩ Bắc; 107,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (39-61km/giờ), giật cấp 9.

12(1).gif
Hướng di chuyển của bão số 2. Ảnh: TTDB KTTV QG

Vùng nguy hiểm do bão trên Biển Đông trong 24-48 giờ tiếp theo (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) là phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Tây kinh tuyến 112,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh và sóng lớn. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.  

Trong 48 đến 60 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng suy yếu dần.

Cảnh báo về gió mạnh, sóng lớn trên biển, triều cường, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 4,0-6,0m, biển động mạnh.

2(3).jpg
Ông Hoàng Phúc Lâm báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ) từ tối và đêm mai (10/7) gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động mạnh.

Do gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2,0-4,0m, biển động.

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, từ chiều tối mai (10/8) đến khoảng ngày 12/8, khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to và dông, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về hướng di chuyển của cơn bão số 2; tác động của mưa lớn, các khu vực cảnh báo ngập úng, lũ quét, sạt lở đất; công tác chỉ đạo ứng phó tại các địa phương dự báo chịu tác động chính của cơn bão...

Giám đốc Đài KTTV khu vực Đông Bắc cho biết, hiện nay, thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh chưa ban hành lệnh cấm biển. Tuy nhiên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương đã có công điện gửi đến cơ sở phải trực ban 24/24 giờ, tổ chức kiểm đếm tàu thuyền trên biển và trên bờ. Đài KTTV khu vực Đông bắc đã cung cấp đầy đủ thông tin dự báo đến Ban Chỉ huy các địa phương để chủ động công tác ứng phó. Các trạm KTTV thuộc Đài KTTV khu vực đã chuẩn bị đầy đủ về nhân sự, trang thiết bị để sẵn sàng dự báo tốt nhất về cơn bão này.

3(2).jpg
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Thanh Tùng

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường bày tỏ đồng tình với nhận định của các chuyên gia. Ông Hoàng Đức Cường lưu ý, hiện dự báo lượng mưa tại các tỉnh khu vực Đông Bắc khoảng 150-250m, các cơ quan dự báo cần lưu ý dự báo được các khu vực có nguy cơ sạt lở tại khu vực Việt Bắc. Dự báo bão sẽ tác động mạnh vào các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, đây cũng là khu vực đông khách du lịch, đề nghị các Đài KTTV có các bản tin dự báo kịp thời để địa phương chủ động các hoạt động kinh tế-xã hội.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Trần Hồng Thái nhấn mạnh, theo dự báo, trong khoảng 2 ngày nữa, bão sẽ cập bờ, nhưng từ chiều mai (10/8) bão đã gây mưa lớn, các Đài KTTV khu vực cần cung cấp các bản tin về diễn biến của bão kịp thời cho các địa phương. Với lượng mưa dự báo khoảng 250mm, cần đặc biệt chú ý đến việc dự báo lũ quét và sạt lở đất. Ông Trần Hồng Thái cũng yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Tổng cục cần nâng cao ý thức trách nhiệm khi đã vào mùa mưa bão, đặc biệt là hoàn thành tốt nhiệm vụ dự báo đối với cơn bão này.

Thanh Tùng