Nâng cao khả năng cảnh báo lũ quét cho các quốc gia Đông Nam Á

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 19:50, 08/08/2022

(TN&MT) - Chiều 8/8 (giờ Việt Nam), tại Geneva, Thụy Sĩ đã diễn ra Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) và Tổng cục Khí tượng Thủy văn Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho Trung tâm Khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á (SeAFFGS).
img_8934.jpg
TS. Wenjian Zhang và GS.TS Trần Hồng Thái ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh chụp qua màn hình: Thanh Tùng

Tham dự Lễ ký kết, về phía WMO có TS. Wenjian Zhang, Trợ lý Tổng Thư ký Chương trình Ô nhiễm Khí tượng Từ; ông Cyrille Honoré, Giám đốc Chi nhánh Dịch vụ công và Giảm thiểu rủi ro thiên tai; TS. Hwirin Kim, Trưởng Phòng, Phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước; ông Fatih Kaya, Phòng Dịch vụ Thủy văn và Tài nguyên nước. Dự trực tuyến, có ông Ben Churchill, Trưởng Văn phòng Khu vực Châu Á và Tây Nam Thái Bình Dương.

Đại diện phía Việt Nam có TS. Lê Thị Tuyết Mai, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Trưởng phái đoàn thường trực Nước CHXHCN Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, Thụy Sỹ; GS.TS Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV, Đại diện thường trực của Việt Nam tại WMO, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng Châu Á – Thái Bình Dương RAII; TS. Phạm Thị Thanh Ngà, Phó Viện trưởng Viện KTTV và Biến đổi khí hậu. Tham dự trực tuyến tại Việt Nam có ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc.

Việc tham gia ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm cụ thể hóa nhiệm vụ đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á mà WMO tin tưởng giao Tổng cục KTTV đảm nhiệm. Đây là hoạt động quan trọng trong việc giảm nhẹ rủi ro thiên tai do lũ quét sạt lở đất cho Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung, góp phần xây dựng kinh tế-xã hội khu vực Đông Nam Á bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Hoạt động này là sự ghi nhận vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế trong lĩnh vực KTTV.

img_8891.jpg
Các đại biểu tham dự trực tuyến tại điểm cầu Tổng cục KTTV. Ảnh: Thanh Tùng

Nội dung chính của Biên bản ghi nhớ hợp tác là xây dựng các điều khoản, giao Tổng cục KTTV Việt Nam đảm nhiệm vai trò Trung tâm khu vực của Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét khu vực Đông Nam Á, cụ thể: Trung tâm khu vực có trách nhiệm hỗ trợ các nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển và triển khai dự án SeAFFGS. Những trách nhiệm này bao gồm hỗ trợ thu thập dữ liệu KTTV lịch sử và dữ liệu không gian (GIS) cần thiết cho việc phát triển hệ thống cho các quốc gia thành viên; hỗ trợ điều phối các đánh giá theo quốc gia cụ thể về các loại sản phẩm và dữ liệu được sử dụng trong quá trình phát triển hệ thống.

Đồng thời, Trung tâm khu vực phối hợp với các đối tác dự án Hỗ trợ cảnh báo lũ quét (FFGS) và các Cơ quan KTTV tham gia trong Khu vực Đông Nam Á duy trì một đầu mối cho tất cả các vận hành và hoạt động; Trung tâm khu vực cũng sẽ cung cấp thông tin liên lạc, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực thích hợp để duy trì, vận hành phần cứng tính toán hệ thống SeAFFGS được sử dụng để phát triển và phổ biến các sản phẩm đồ họa và dữ liệu cho quốc gia và khu vực cho Cơ quan KTTV ở khu vực Đông Nam Á...

Ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV nhấn mạnh, đây là sự kiện đánh dấu một cột mốc rất quan trọng đối với cộng đồng Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong việc nâng cao khả năng chống chịu với thiên tai. Đồng thời, ông Trần Hồng Thái gửi lời cảm ơn đến các đồng nghiệp từ Ban Thư ký WMO, nhà tài trợ dự án SEAFFGS, Chính phủ Canada, các Trung tâm KTTV quốc gia của các nước Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Công ty HRC đã tâm huyết và đóng góp to lớn để phát triển một dự án tuyệt vời cho cộng đồng Đông Nam Á chống lũ quét và sạt lở đất.

img_8928.jpg
Ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV phát biểu tại buổi Lễ. Ảnh chụp qua màn hình: Thanh Tùng

Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, lũ quét cướp đi sinh mạng của hơn 5.000 người và gây thiệt hại lớn về tài sản mỗi năm, đe dọa sự phát triển bền vững toàn cầu. Đặc biệt, do tác động của biến đổi khí hậu, lũ quét và sạt lở đất diễn ra với cường độ, tần suất cao hơn và khó dự báo hơn. Đông Nam Á có khí hậu nhiệt đới gió mùa và là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thủy văn như lũ lụt, lũ quét và sạt lở đất. Tuy nhiên, hệ thống cảnh báo sớm lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn chưa đầy đủ và phù hợp.

“May mắn sau 6 năm làm việc chăm chỉ và nỗ lực vượt bậc, hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét ở Đông Nam Á đã chính thức được thành lập theo tuyên bố của Ban Thư ký WMO, 4 nước Đông Nam Á và Trung tâm Nghiên cứu Thủy văn (HRC) trong sự kiện do Tổng cục KTTV Việt Nam tổ chức vào ngày 28/6/2022 tại Hà Nội, Việt Nam. Trong sự kiện này, chúng tôi cũng rất tự hào thông báo với các cơ quan giảm nhẹ rủi ro thiên tai toàn cầu và các thành viên quốc gia của WMO rằng, Đông Nam Á đã sở hữu một hệ thống rất toàn diện mà tôi tin rằng sẽ cứu được rất nhiều sinh mạng và giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho khu vực. Hệ thống tích hợp nhiều nguồn dữ liệu khác nhau từ vệ tinh, radar, trạm tự động, đo đạc địa hình nhằm cung cấp cho người dự báo thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất hiệu quả”, Tổng Cục trưởng Tổng cục KTTV nhấn mạnh

Biên bản ghi nhớ về SEAFFGS được đại diện Ban Thư ký WMO và Tổng cục KTTV Việt Nam ký hôm nay với sự hợp tác và cộng tác của các bên trong Trung tâm Khu vực SEAFFGS. Nhờ sự công nhận và tin tưởng từ Ban Thư ký WMO, các nước thành viên SEAFFGS và các đồng nghiệp, Tổng cục KTTV Việt Nam đã được chọn làm Trung tâm Khu vực FFGS. Với kinh nghiệm vận hành một trung tâm khu vực tương tự về dự báo thời tiết khắc nghiệt cho Đông Nam Á, ông Trần Hồng Thái cho biết sẽ cố gắng hết sức để vận hành và duy trì SEAFFGS một cách hiệu quả. Đồng thời, hy vọng sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ WMO và các nước thành viên khác để cung cấp thông tin tốt hơn về cảnh báo lũ quét và sạt lở đất, góp phần giảm nhẹ rủi ro thiên tai và phát triển bền vững trong khu vực.

SeAFFGS được phát triển trong khuôn khổ dự án “Xây dựng khả năng ứng phó với các sự kiện khí tượng thủy văn có tác động lớn thông qua việc tăng cường các hệ thống cảnh báo sớm các thảm họa ở các quốc đảo đang phát triển và Đông Nam Á”, do Chính phủ Canada tài trợ, được phát động vào ngày 28/6/2022, tại Việt Nam. Tổng cục KTTV Việt Nam sẽ là Trung tâm Khu vực SeAFFGS.

Thanh Tùng