Sóc Trăng: Tập trung trồng rừng để ứng phó BĐKH, tạo sinh kế cho người dân

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:05, 06/07/2022

(TN&MT) - Tỉnh Sóc Trăng đã và đang đẩy mạnh hoạt động trồng và phát triển diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ ven biển nói riêng nhằm năng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); đồng thời, tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng. Để hiểu rõ hơn về nhiệm vụ này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng.
a1-ong-khiem-soc-trang.jpg
 Ông Trần Trọng Khiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng

PV: Ông có thể cho biết một số kết quả nỗi bật trong công tác trồng rừng và bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong những năm vừa qua?

Ông Trần Trọng Khiêm:

Trong những năm gần đây, tình trạng xói lở bờ biển, nước biển dâng đang ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường gây ảnh hưởng không nhỏ đến cơ sở hạ tầng giao thông, đê biển cũng như sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, đặc biệt là tại các địa phương ven biển.

Nhằm giảm thiểu những thiệt hại do các yếu tố cực đoan của BĐKH gây ra, tỉnh Sóc Trăng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ứng phó, trong đó giải pháp trồng và bảo vệ rừng để tạo vành đai rừng vững chắc bảo vệ 72km bờ biển được xem là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, các ngành, người dân trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Sóc Trăng đã thành lập Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp kết hợp với Chi cục Kiểm lâm vừa thực hiện công tác bảo vệ rừng, vừa thực hiện các dự án trồng rừng; đồng thời, Ban Quản lý các dự án Lâm nghiệp tỉnh Sóc Trăng còn phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai hàng chục dự án trồng rừng ngập mặn ở những địa phương ven biển như: huyện Cù Lao Dung, huyện Trần Đề và TX. Vĩnh Châu.

Ngoài ra, các Sở, ban ngành, đoàn thể cũng đẩy mạnh thực hiện giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tại các địa phương giáp biển tích cực tham gia vào hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng. Với sự cố gắng của các cấp, các ngành, đoàn thể, người dân đã góp phần làm cho diện tích rừng nói chung, rừng phòng hộ ven biển nói riêng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không ngừng tăng lên.

Trong giai đoạn từ năm 2014 đến năm 2021, tỉnh Sóc Trăng đã trồng mới hơn 1.530 ha rừng ngập mặn tạo thành tường mềm giảm sóng biển với chiều dài khoảng 34km; tổ chức phục hồi 850 ha rừng kém chất lượng; đồng thời, trồng 766.155 cây phân tán. Hiện tại, một số diện tích đã đạt tiêu chí thành rừng, góp phần vào việc chắn sóng, lấn biển, bảo vệ đê biển và điều hòa khí hậu...

PV: Việc trồng rừng gắn với tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã triển khai như thế nào, kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Trần Trọng Khiêm:

Trong thời gian qua, ngoài công tác trồng rừng, tỉnh Sóc Trăng cũng luôn quan tâm đến công tác bảo vệ rừng. Ngoài lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, tỉnh Sóc Trăng còn xác định công tác bảo vệ rừng phải dựa vào người dân. Do đó việc chăm lo cho đời sống của người dân là một phần không thể thiếu trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Căn cứ vào điều kiện tự nhiên của từng vùng, các cơ quan, đơn vị chức năng tỉnh Sóc Trăng sẽ lựa chọn những mô hình tạo sinh kế phù hợp cho người dân dưới tán rừng. Đơn cử như ở huyện Cù Lao Dung, với địa hình thấp rất thuận lợi cho việc thực hiện các mô hình nuôi vọp, nghêu, ốc len dưới tán rừng.

Hiện nay, tại huyện Cù Lao Dung đang triển khai thực hiện tổng cộng 14 mô hình nuôn trồng thủy hải sản dưới tán rừng. Thông qua các mô hình này đã tạo sinh kế ổn định cho hàng trăm người dân, đặc biệt là những người dân là thành viên các Tổ cộng đồng tham gia trồng và bảo vệ rừng.

Còn tại địa bàn TX. Vĩnh Châu, do địa hình cao khó khăn trong việc trữ nước, các cơ quan, đơn vị tập trung hỗ trợ người dân thực hiện mô hình sinh kế như nuôi ếch, trồng hoa màu trong nhà lưới, qua đó góp phần cải thiện đời sống cho người dân, giảm tình trạng chặt phá rừng trái phép, duy trì ổn định và phát triển thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển.

Bên cạnh tập trung triển khai các giải pháp để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân ven biển, tỉnh Sóc Trăng cũng luôn chú trọng đến công tác thu hút các dự án đầu tư vào trồng rừng. Đối với các dự án này, ngoài việc thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, tỉnh Sóc Trăng còn yêu cầu trong dự án bắt buộc phải có hợp phần hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân sống ven rừng, đặc biệt là người tham gia tích cực vào công tác bảo vệ rừng.

a2-rung-phong-ho-soc-trang.jpg
Diện tích rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang tăng theo từng năm tạo thành đai rừng vững chắc bảo vệ bờ biển trước tác động từ BĐKH


PV: Để công tác trồng rừng ứng phó với BĐKH và tạo sinh kế cho người dân ngày càng tốt hơn, tỉnh Sóc Trăng sẽ triển khai các giải pháp nào, thưa ông?

Ông Trần Trọng Khiêm:

Trong thời gian tới, để công tác trồng rừng ứng phó với BĐKH, tạo sinh kế cho người dân dưới tán rừng ngày càng tốt hơn, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung xây dựng rừng giống, vườn ươm sản xuất cây giống phục vụ công tác trồng rừng phòng hộ ven biển; đồng thời, tăng cường bảo vệ rừng ngập mặn, chống sạt lở bờ biển, đặc biệt ưu tiên những khu vực có nguy cơ sạt lở cao; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, làm giàu rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn động vật, thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm tại các khu rừng có tính đa dạng sinh học cao vùng ven biển.

Cùng với đó, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng sẽ phối hợp với các Sở, ban ngành, địa phương tổ chức theo dõi, giám sát, cập nhật cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng; triển khai giao đất gắn với giao rừng; cắm mốc phân định ranh giới rừng; lập hồ sơ quản lý rừng; xây dựng các mô hình nông lâm kết hợp, cải thiện sinh kế, tạo công ăn việc làm cho những người dân đang trực tiếp tham gia bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là những người dân thuộc hộ nghèo và phụ nữ sinh sống ven rừng, góp phần giúp họ nâng cao thu nhập, ổn định đời sống và gắn bó lâu dài với hoạt động trồng và bảo vệ rừng.

Song song đó, Sở NN&PTNT tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế triển khai dự án trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển gắn với tạo sinh kế cho người dân; kêu gọi các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn để tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ven biển.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hùng