Thống nhất tháo gỡ những vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư dầu khí

Kinh tế - Ngày đăng : 06:39, 16/06/2022

Phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) đã thu hút 23 ý kiến phát biểu. Các đại biểu thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập, đồng bộ hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Sáng 15/6, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi).

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự thảo Luật, đa số đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển ngành Dầu khí với vai trò là một trong những ngành quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước.

thong-nhat-thao-go-nhung-vuong-mac-tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-cho-dau-tu-dau-khi.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành Phiên họp thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dầu khí (sửa đổi)

Bên cạnh đó là các ý kiến cụ thể vào các quy định của dự thảo Luật, tập trung vào các nội dung như tên gọi, phạm vi điều chỉnh của dự án Luật, các quy định về áp dụng pháp luật, điều tra cơ bản, hợp đồng dầu khí, nhà thầu ký kết hợp đồng dầu khí, ưu đãi về dầu khí, quản lý nhà nước về dầu khí...

Góp ý vào dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân - Đoàn ĐBQH TP HCM bày tỏ ấn tượng về ngành dầu khí Việt Nam hiện nay với những con số còn 51 hợp đồng đang tiếp tục khai thác, đã khai thác trên 420 triệu tấn dầu và trên 160 tỷ m3 khí. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - doanh nghiệp nòng cốt của ngành dầu khí đã có những đóng góp quan trọng cho tổng thu ngân sách nhà nước và tổng sản phẩm quốc nội; giai đoạn 2006-2015 đóng góp khoảng 20- 25% tổng thu ngân sách và GDP. Hiện nay, Việt Nam đang đứng thứ 33 trên 98 quốc gia có sản lượng dầu khai thác trong năm 2021.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đây là một thành tựu rất đáng khích lệ nhưng hiện nay hầu hết các mỏ dầu khí chủ đạo, điều đang khai thác với mức độ suy giảm sâu về sản lượng. Các mỏ mới dự kiến đưa vào phần lớn các mỏ có cấu tạo phức tạp, trữ lượng nhỏ, công tác khai thác gặp nhiều khó khăn và thách thức nguồn tài nguyên dầu khí tại chỗ. Trong khi đó các thể chế, chính sách hiện hành chưa có cơ chế khuyến khích phù hợp cho hoạt động đầu tư để phát triển các mỏ nhỏ và cận biên, khuyến khích thu hút thêm nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Về chi tiết nội dung dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, còn một số tồn tại, đó là khó khăn trong xây dựng luật là làm sao để tách bạch được chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia; làm sao khuyến khích được xã hội hóa, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, thu hút được tư nhân nhưng vẫn đảm bảo được vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước, đảm bảo được an ninh, quốc phòng. Trong dự thảo luật, việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương và Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng chưa rõ ràng…

Ngoài ra, đại biểu đề nghị thêm một chương về công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về dầu khí, bởi dầu khí là tài nguyên quốc gia có ý nghĩa quan trọng đến việc đảm bảo an ninh năng lượng và góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đại biểu Cầm Thị Mẫn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng về nguyên tắc áp dụng pháp luật quy định tại khoản 2, Điều 4 chưa thực sự phù hợp, đề nghị cần xem xét lại. Bởi quy định này vẫn chưa giải quyết được xung đột, chồng chéo trong quá trình áp dụng Luật Dầu khí với các luật khác có liên quan như Luật Đầu tư; Luật Xây dựng; Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Do vậy, để đảm bảo thống nhất, hạn chế xung đột pháp luật giữa Luật Dầu khí và các luật có liên quan, kể cả pháp luật quốc tế và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định rõ trong dự thảo Luật nguyên tắc áp dụng Luật Dầu khí theo hướng hạn chế tối đa việc dẫn chiếu đến quy định pháp luật tại luật khác để đảm bảo tính khả thi, rõ ràng và thống nhất trong quá trình thực hiện.

Tham gia thảo luận, đại biểu Phan Đức Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, dự thảo Luật Dầu khí lần này bổ sung rất nhiều quy định để nhằm thúc đẩy hoạt động điều tra cơ bản về dầu khí, đồng thời nêu rất rõ mục tiêu Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài đầu tư để tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí.

Tuy nhiên, theo đại biểu, dự thảo Luật lại chưa quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích. Thậm chí khi đối chiếu với Chương VI về các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách ưu đãi đầu tư này chỉ áp dụng cho hoạt động dầu khí, mà hoạt động dầu khí lại không bao gồm hoạt động điều tra cơ bản.

Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét có nên áp dụng các biện pháp khuyến khích ưu đãi đầu tư tại Chương VI đối với hoạt động điều tra cơ bản hay không. Trong trường hợp không áp dụng, đại biểu đề nghị thiết kế ngay trong Luật những cơ chế, chính sách để áp dụng đối với hoạt động điều tra cơ bản. Đồng thời lưu ý thiết kế chính sách này cần đặc biệt lưu ý đến chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu.

Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tán thành cao về sự cần thiết ban hành Luật dầu khí (sửa đổi), đại biểu Vũ Thị Liên Hương cho biết, ngoài các lý do nêu trong Tờ trình thì việc sửa đổi Luật dầu khí còn góp phần điều chỉnh, cắt giảm nhiều khí phi truyền thống, các vấn đề thực tế phát sinh mang tính đặc thù của hoạt động dầu khí, có cơ chế, chính sách ưu tiên để phát triển hoạt động nhiều khí. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò, gia tăng sản tượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng nước sâu, xa bờ gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển, góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước ngoài.

thong-nhat-thao-go-nhung-vuong-mac-tao-hanh-lang-phap-ly-thuan-loi-cho-dau-tu-dau-khi_1.jpg
Đại biểu Vũ Thị Liên Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nêu ý kiến tại hội trường

Theo đại biểu Vũ Thị Liên Hương, cần quan tâm đến chính sách đầu tư phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam và đề nghị cần phải thiết kế một số điều quy định về đào tạo, chuyển giao công nghệ và các cơ chế, chính sách cụ thể đối với nhà thầu khi tham gia hoạt động dầu khí Việt Nam để từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật phát triển nền công nghiệp dầu khí.

Bên cạnh đó, phải chủ động tăng cường việc hợp tác quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài để huy động được nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại và chia sẻ rủi ro, đồng thời tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật ngành dầu khí các nước phát triển. Vì vậy, rất cần thiết mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật toàn diện hơn về chế định các nội dung cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dầu khí nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý đối với các Bộ, ngành, tổ chức, đơn vị liên quan thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, từ đó từng bước làm chủ công nghệ tìm kiếm, thăm dò, khai thác đáp ứng nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong thời kỳ mới…

Đóng góp ý kiến về công tác điều tra cơ bản dầu khí trong dự án Luật Dầu khí (sửa đổi), đại biểu Vũ Tiến Lộc - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội quan tâm đến việc ủy quyền quản lý Nhà nước đối với một số nội dung kinh tế kỹ thuật cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia nhằm đảm bảo tăng cường tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm của Tập đoàn, bảo đảm bảo hiệu quả hơn trong phát triển ngành Dầu khí.

Theo đại biểu Lộc, trong lịch sử, nước ta đã có Tổng cục Dầu khí đảm nhiệm đồng thời cả hai nhiệm vụ là quản lý nhà nước và đầu tư phát triển thúc đẩy phát triển ngành dầu khí. Nếu bây giờ chúng ta trao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia một số chức năng quản lý Nhà nước nhưng chỉ trong lĩnh vực kinh tế kỹ thuật để hoạt động hiệu quả hơn là một chủ trương thích hợp. Ngoài ra, việc tăng cường phân cấp, đảm bảo tính tự chủ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cũng là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính tự chủ về hiệu quả khu vực doanh nghiệp nhà nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, hiện nay, việc quản lý doanh nghiệp Nhà nước ta đang có vấn đề. Đó là chúng ta đang có bộ chuyên ngành quản lý, Ủy ban quản lý vốn tài sản Nhà nước. Tuy nhiên, phải nói rằng, mô hình quản trị doanh nghiệp Nhà nước còn hạn chế nên để đảm bảo hiệu quả cho khu vực này thì cần đến những cải cách. Vì thế, những biện pháp định áp dụng với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia là sẽ là những thí điểm để có thể mở rộng ra trong các lĩnh vực khác của khu vực doanh nghiệp Nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Quốc hội đã làm việc tích cực, dân chủ, nghiêm túc, khẩn trương, có 23 ý kiến phát biểu. Thứ trưởng Bộ Công Thương đã có giải trình làm rõ một số ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Các ý kiến thống nhất về sự cần thiết sửa đổi Luật Dầu khí để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển ngành dầu khí, đảm bảo an ninh năng lượng, tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng bộ hệ thống pháp luật, tăng cường hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước về dầu khí, đẩy mạnh phân cấp, tránh lợi ích cục bộ, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu cũng cho ý kiến về tên gọi, phạm vi điều chỉnh dự án Luật, việc điều chỉnh các hoạt động trung, hạ nguồn dầu khí, chính sách thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế, công tác tìm kiếm, thăm dò để gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí, căn cứ pháp lý để điều tra, khai thác các dạng năng lượng mới, phân công, phân cấp quản lý nhà nước về dầu khí,... Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Ủy ban Kinh tế và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu để hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

PV