Cần đầu tư chất lượng cho hoạt động quan trắc môi trường tự động

Môi trường - Ngày đăng : 19:44, 03/06/2022

Đây là ý kiến của các đại biểu tham dự Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận hành, quản lý dữ liệu hệ thống trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường do Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh phối hợp tổ chức vào chiều ngày 3/6, tại Khu du lịch biển Thiên Cầm.

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; đại diện Phòng tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp hoạt động đóng trên địa bàn; lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở.

anh-1.-qt.jpg
Toàn cảnh Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vận hành và quản lý dữ liệu hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục diễn ra tại Khu du lịch Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh

Về phía đơn vị phối hợp tổ chức có đại diện Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh; Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh.

Phát biểu khai mạc, ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh cho biết, triển khai thực hiện hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học (22/5), Ngày Môi trường thế giới (5/6), Ngày Đại dương thế giới (08/6), Tuần lễ biển và Hải đảo Việt Nam và Tháng hành động vì môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lễ phát động hưởng ứng, kết hợp với Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm vận hành, quản lý dữ liệu hệ thống các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục tuân thủ theo các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.

anh-4.-qt(3).jpg
 Ông Phan Lam Sơn - Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Tĩnh

Thời gian qua, song song với quá trình phát triển kinh tế- xã hội, lĩnh vực tài nguyên và môi trường ở Hà Tĩnh luôn phải chịu sức ép không nhỏ từ việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, sự gia tăng khối lượng chất thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, áp lực của sự tăng nhanh dân số, đô thị hóa và phát triển kinh tế nhưng thiếu sự phối hợp đồng bộ...

Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết khí hậu biến đổi bất thường; đại dịch COVID 19, dịch bệnh xảy ra thường xuyên, nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học... đang là những vấn đề bức xúc mà môi trường phải đối mặt.

anh-3.-qt(2).jpg
Các đại biểu tham gia Hội thảo

Do vậy, nỗ lực trong quản lý, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm càng trở nên cần thiết và cấp bách. Trong đó, việc quan trắc môi trường được xác định là công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường nhằm kiểm soát có hiệu quản các nguồn thải, cung cấp các thông tin chính xác về chất lượng môi trường.

anh-4.-qt(4).jpg
Lấy mẫu phân tích môi trường nước biển

Được biết, nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, Thông tư số 02/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai rà soát các đối tượng thuộc diện phải thực hiện quan trắc tự động nước thải và khí thải. Theo đó, yêu cầu các đơn vị thực hiện lắp đặt, kết nối truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo quy định.

Báo cáo của Sở TN&MT Hà Tĩnh thông tin, trên địa bàn hiện có ba đơn vị đã lắp đặt, kết nối và truyền số liệu quan trắc tự động khí thải, nước thải về Trung tâm điều hành hệ thống quan trắc tự động tại Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát theo đúng quy định. Các đơn vị thực hiện gồm FHS, Công ty Điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Công ty TNHH MTV Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh.

anh-6.-qt(1).jpg
Ông Trần Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh chia sẻ tại Hội thảo

Dựa trên kết quả và kinh nghiệm khi thực hiện tại địa phương, ông Trần Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đánh giá chất lượng hệ thống trạm quan trắc tự động, liên tục hiện nay. Đồng thời, nhấn mạnh đây là dịp để các nhà quản lý, địa phương và các doanh nghiệp trao đổi, thống nhất, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện bằng kinh nghiệm qua thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu theo quy đinh.

anh-7.-qt(3).jpg
Đại diện Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh chia sẽ kinh nghiệm 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe phổ biến những điểm mới về quan trắc môi trường trong Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi năm 2020, Nghị định 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; Giới thiệu về các quy định mới và vận hành trạm quan trắc tự động theo thông tư số 10/ 2021/TT-BTNMT; Kinh nghiệm vận hành các trạm quan trắc tự động, liên tục;  Kinh nghiệm niêm phong, tiếp nhận, quản lý dữ liệu quan trắc môi trường tự động, liên tục; Giới thiệu các thiết bị truyền nhận dữ liệu phổ biến; Hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật trong đầu tư, vận hành và kiểm soát chất lượng hệ thống Trạm quan trắc tự động, liên tục; chia sẽ một số kinh nghiệm xử lý sự cố khi quan trắc tự động.

anh-8.-qt.jpg
Doanh nghiệp tại Hà Tĩnh trao đổi một số vướng mắc khi tham gia thực hiện hệ thống quan trắc tự động, liên tục

Chia sẻ tại Hội thảo, đại diện đến từ các địa phương, doanh nghiệp cho rằng, cần tăng cường hơn nữa hoạt động quan trắc môi trường tự động. Đặc biệt, đầu tư trang thiết bị để tiếp nhận, truyền và quản lý dữ liệu đối với hệ thống quan trắc môi trường tự động, liên tục tại các địa phương và doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng, tập huán cán bộ phụ trách các vấn đề có liên quan để có thể vận hành hiệu quả các trạm quan trắc này.

Cùng với đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp nhằm thiết lập và duy trì mạng lưới quan trắc môi trường tự động, đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương…

Đức Cảnh