Chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường

Trong nước - Ngày đăng : 12:42, 28/05/2022

(TN&MT) - Đó là nhấn mạnh của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà tại lễ phát động quốc gia hưởng ứng ngày đa dạng sinh học (22/5) và Ngày môi trường thế giới (5/6) năm 2022 diễn ra sáng 28/5 tại Quảng Ninh.

Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh, cả nhân loại, trong đó có việt Nam đang phải đối mặt với khủng hoảng kép do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và nguồn nước, suy thoái đất đai, rác thải nhựa đại dương và những ảnh hưởng cực đoan của biến đổi khí hậu.

small_bt-tranhongha_4(1).jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng “chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên”

Thực trạng đó buộc chúng ta phải nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế gắn với phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nhằm sử dụng hiệu quả và bảo tồn các nguồn tài nguyên, bền vững về môi trường, khí hậu, bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ người dân. Trong đó, Việt Nam tuyên bố mạnh mẽ về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, phát triển kinh tế - xã hội đất nước theo con đường “xanh”, luật hoá các chính sách về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

small_bt-trong-cay.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui

Theo đó, Bộ trưởng TN&MT đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy và nhận thức về lối sống bền vững hài hòa với thiên nhiên; xây dựng đạo đức, văn hóa, văn minh sinh thái trong ứng xử với tự nhiên; xây dựng bộ tiêu chí văn hóa, lối sống xanh trong toàn xã hội.

Bên cạnh đó, tập trung chuyển đổi thành công cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, từ khai thác thâm dụng tài nguyên thiên nhiên sang kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các-bon thấp; đầu tư cho vốn tự nhiên.

Đồng thời có kế hoạch cụ thể từ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để triển khai có hiệu quả cam kết của Chính phủ tại COP26 về chuyển đổi năng lượng từ than sang năng lượng sạch, tái tạo; giảm phát thải khí nhà kính, trong đó có khí mê-tan; sử dụng bền vững tài nguyên đất và nước.

Một trong những nhiệm vụ là thực hiện hiệu quả các mục tiêu về Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái tự nhiên và hướng tới COP15 các bên tham gia Công ước Đa dạng sinh học; thúc đẩy mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia thực hiện có kết quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh; bảo vệ rừng, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn; nâng cao tỷ lệ bảo tồn gắn với phát triển kinh tế sinh thái, sinh kế bền vững của người dân.

small_bt-trong-cay1.jpg
Đoàn công tác tham gia trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui

Công việc tiếp theo là tập trung giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường tại các lưu vực sông chính, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; thúc đẩy phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải; khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm, suy thoái tài nguyên đất; Tăng cường các hoạt động phòng chống các loại tội phạm về môi trường, săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.

Cuối cùng tăng cường sự hợp tác, đoàn kết toàn dân, phát huy vai trò hợp tác quốc tế trong giải quyết những vấn đề môi trường, khí hậu toàn cầu.

Phát biểu tại buổi Lễ, Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, Quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam cho biết, LHQ đã và đang hợp tác với Việt Nam trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học để bảo vệ các hệ sinh thái khác nhau bao gồm rừng, đất ngập nước và các rạn san hô. Do đó, LHQ nhận thấy có nhiều cơ hội cho Việt Nam để vượt qua những thách thức mà chúng ta đang đối mặt bằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua tái trồng rừng, quản lý rừng bền vững, trồng và phục hồi rừng ngập mặn, du lịch dựa vào thiên nhiên... Cụ thể, rừng ngập mặn là một trong những giải pháp dựa vào thiên nhiên hiệu quả nhất.

small_ubdp.jpg
Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, Quyền điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc (LHQ) tại Việt Nam

“Chúng không chỉ là nguồn sinh kế bền vững, như từ nuôi trồng thủy sản và nuôi ong, mà còn góp phần vào việc hấp thụ carbon, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và lọc nước. Các hoạt động này tạo ra lợi ích chung, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và giúp người dân cải thiện sinh kế cũng như tăng tỷ lệ che phủ rừng ở Việt Nam.” – Bà Caitlin Wiesen cho biết.

Bà Caitlin Wiesen cho rằng, mặc dù rất nhiều giải pháp chỉ có thể được thúc đẩy từ hành động của các thực thể có quy mô như các chính phủ quốc gia và chính quyền địa phương, các tổ chức tài chính, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế... mỗi người trong chúng ta đều có thể làm phần việc của mình để giúp hành tinh xinh đẹp và duy nhất này vẫn mãi là ngôi nhà thân yêu cho con người và thiên nhiên trong sự hài hòa và cân bằng.

small_trien-lam.jpg
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng Bà Caitlin Wiesen thăm quan triển lãm tranh tại buổi Lễ

“Cùng với nhau, chúng ta hãy nỗ lực ở mức cao nhất trong các hành động quốc gia cũng như trong hợp tác quốc tế để xây dựng một tương lai có phát thải ròng bằng không, hài hòa với thiên nhiên, vào năm 2050, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.” - Bà Caitlin Wiesen nói.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Tường Văn, chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng môi trường sống, tỉnh Quảng Ninh kêu gọi sự quan tâm và tham gia tích cực của các cơ quan, đoàn thể, chính quyền các cấp, tổ chức xã hội, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí và cộng đồng dân cư tiếp tục quan tâm thực hiện hiệu quả các biện pháp để cải thiện, bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; khai thác đi đôi với phục hồi và tái tạo; phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với việc khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững của tỉnh, của đất nước và nâng cao cuộc sống của người dân.

small_ct-quangninh.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi Lễ

Cũng tại buổi Lễ, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bí thư tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký, Bà Caitlin Wiesen cùng các đại biểu đã tham gia thả cá giống và trồng cây tại rừng ngập mặn Đồng Rui. Tại đây, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết “mỗi chúng ta sẽ có những đóng góp tích cực để cùng chung tay xây dựng tương lai “ngôi nhà chung - Trái đất”, tạo môi trường trong lành, giữ cân bằng sinh thái cho sự phát triển bền vững của loài người.”

small_bt-trong-cay2.jpg

Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học (22- 5), Ngày Môi trường Thế giới (5-6) được Liên Hợp quốc lựa chọn nhằm khẳng định tầm quan trọng và kêu gọi các quốc gia, cộng đồng trên toàn thế giới hợp tác, hành động để bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường. 

Trong đó, chủ đề Ngày Quốc tế Đa dạng sinh học năm 2022 được Liên Hợp quốc chọn là “Xây dựng một tương lai chung cho mọi sự sống”. Còn Ngày môi trường thế giới năm 2022 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Chỉ một Trái đất” nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.

Khương Trung -Phạm Hoạch