Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ cho sạch biển từ xa

Biển đảo - Ngày đăng : 18:27, 19/05/2022

(TN&MT) - Bao đêm trong đầu tôi hiện lên hình ảnh rác bủa vây bãi biển quê nhà. Xót xa lắm mỗi lần chứng kiến hình ảnh bãi biển quê hương mình và các bãi biển trên khắp đất nước mình đầy rác. Tôi nghĩ tại sao mỗi chúng ta không tuyên truyền vận động đầu tiên từ chính những người thân của mình, những người đêm ngày bám biển mưu sinh.

Phải biến mỗi người dân miền biển thành một chiến sĩ, mỗi nhà ven biển thành một pháo đài kiên cố để đẩy lùi cuộc tấn công của rác thải nhựa.

Trong ký ức của tôi, quê hương là những trận nắng như đổ lửa, những cơn mưa dầm dề không biết khi nào tạnh, và cả dòng nước mát rượi từ mẹ biển mỗi buổi trưa vỗ về chúng tôi vượt qua bao mùa hè khắc nghiệt của miền Trung.

Biển cả quê hương trong tôi đẹp lắm, dòng nước xanh ngắt một màu, bãi cát vàng mịn màng kéo dài đến vô tận. Nhưng đó chỉ là biển trong ký ức tuổi thơ tôi, giờ đây biển vẫn đẹp nhưng đâu đó vẫn thấy một nỗi buồn man mác khi điểm xuyến trên bãi cát vàng, trên mặt biển xanh thăm thẳm là những chai nhựa, bao bì ni lông… từ xa nhìn lại như những miếng vá vụng về trên bộ áo đẹp đẽ.

13-1-.jpg

Đoàn viên thanh niên tham gia nhặt rác ở biển. Ảnh minh họa

Con người ngày càng vô cảm với cuộc sống của chính mình thì sao thấy được trái tim biển đang rỉ máu từng ngày để rồi lâu lâu lại “giận dữ” với những cơn bão “trái gió trở trời”, với những cơn sóng đục ngầu sôi sục vỗ ầm ầm cả ngày lẫn đêm vào bến bờ quen thuộc. Các bạn có thấy không khi cuộc sống của chúng ta đặt chữ “tiện lợi” lên đầu thì lượng rác thải đổ ra sông tuồn ra biển cũng được tăng lên theo đó, để rồi mỗi lần thuỷ triều dâng lên, thứ được dạt vào bờ không phải là nghêu sò ốc hến mà là chai nhựa, túi nhựa, thậm chí là cả lốp xe, vỏ xe…

Tôi cứ tự hỏi, không biết những người con được sinh ra từ miền biển lớn lên và tứ tán đi nơi khác làm ăn có bao giờ nhức nhối như tôi mỗi lần tha thẩn trên biển mỗi buổi chiều khi về quê, hay khi các bạn đi du lịch đến một vùng biển nào đó gần nơi các bạn đang làm? Đã bao giờ các bạn tự hỏi mình có thể làm gì để góp phần bảo vệ biển quê hương mình cũng như các vùng biển trên mọi miền duyên hải của Tổ quốc khỏi sự “tấn công” của rác thải nhựa? Hay các bạn cũng đã nghĩ nhưng rồi tặc lưỡi “thôi mình ở xa quá làm sao làm gì được”?

Bao đêm trong đầu tôi hiện lên hình ảnh rác bủa vây bãi biển quê nhà. Xót xa lắm mỗi lần chứng kiến hình ảnh bãi biển quê hương mình và các bãi biển trên khắp đất nước mình đầy rác. Tôi nghĩ tại sao mỗi chúng ta không tuyên truyền vận động đầu tiên từ chính những người thân của mình, những người đêm ngày bám biển mưu sinh. Phải biến mỗi người dân miền biển thành một chiến sĩ, mỗi nhà ven biển thành một pháo đài kiên cố để đẩy lùi cuộc tấn công của rác thải nhựa.

Thành ngữ Việt Nam có một câu rất hay “nước chảy đá mòn”, hằng này cứ nói từng ít một, lâu dần sẽ hình thành tiềm thức trong lòng người nghe. Ở xa thì bạn cứ ngày ngày gọi về cho cha mẹ, ông bà - là những người đã và đang là những ngư dân bám biển mà sống, không cần những lời tuyên truyền sáo rỗng mà phải “nói có sách mách có chứng” họa may, những người thân ở quê mới nghe lọt tai. Thậm chí, bạn có thể so sánh “lộc biển” mang lại của ngày xưa với bây giờ để thuyết phục người thân của mình hiểu được tác hại của ô nhiễm rác trên biển.

Trong ký ức của tôi vào mỗi mùa biển động, khi trời vừa tờ mờ sáng, chỉ cần chạy ra biển thôi thì nào là ốc, hến rồi ngao, sò nằm ườn mình lười biếng trên biển chờ con người đến và nhặt mang về nhiều không kể xiết. Còn bây giờ, biển động, nước dâng lên kéo theo chỉ toàn là chai lọ, bao bì ni lông chiếm phần nhiều lâu lâu mới được một bữa “lộc biển” đúng nghĩa nhưng cũng không thể phong phú đa dạng bằng “ngày xưa”. Người già họ thường hoài niệm những thứ của quá khứ chỉ cần mình nói đúng cách, bắt đúng nhịp sẽ rất dễ để họ nhận ra vấn đề một cách đúng đắn.

Các bạn nghĩ sao nếu mở một câu lạc bộ chuyên thu mua phế liệu, trong đó có các phế liệu thu được trên biển? Trong câu lạc bộ đó sẽ chia ra nhiều bộ phận khác nhau như bộ phận thu phế liệu có thể tái chế được như vật dụng làm từ nhựa để bán lấy tiền, một bộ phận khác sẽ là những vật dụng có thể tái sử dụng như chai, lọ thủy tinh, rồi có bộ phận sẽ chuyên thiết kế các phế liệu từ biển thành những thứ hữu ích như những món đồ chơi xinh xinh cho bọn trẻ con để chúng không còn suốt ngày vòi vĩnh bố mẹ mua ngoài hàng… Nếu làm được điều đó sẽ tạo thêm nguồn thu nhập và công ăn việc làm bán thời gian cho người già và bọn trẻ ở quê vào những dịp rảnh rỗi. Tất cả đó mới chỉ là nằm trong ý tưởng của tôi nhưng chúng ta có thể xem xét và cân nhắc thêm để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền cao hơn.

13-2-.jpg

Ngư dân vớt được lốp xe ở ngoài khơi. Ảnh: Nguyễn thị Trang

Còn bây giờ, khi kế hoạch đó còn đang trong ý tưởng, chúng ta hãy vận động bọn trẻ tham gia vào những hoạt động “làm sạch bãi biển” hay các hoạt động vì môi trường do đoàn trường tổ chức thay vì suốt ngày lướt facebook, tiktok… khi chúng nhìn thấy một bãi biển không có rác thải, sạch sẽ nguyên sơ do chính bàn tay của chúng góp phần làm sạch, tôi chắc chắn chúng sẽ thấy tự hào biết bao. Sẽ phải mất một thời gian khá lâu để thế hệ trẻ tương lai xem việc nhặt rác trên biển là việc mình phải làm. Nhưng tôi tin, trước khi biến việc đó thành việc thường nhật, thường xuyên, ít nhất, sẽ làm chúng có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường biển nơi chúng được sinh ra và lớn lên từng ngày.

Và chúng ta - những người đang bươn chải khắp mọi miền để mưu sinh, nếu không có điều kiện trực tiếp làm sạch biển, chúng ta hãy bảo vệ biển từ xa. Hằng ngày trước khi vứt một bao bì, chai lọ gì đó ra môi trường, bạn hãy tự nhắc nhở mình rất có thể nó sẽ theo dòng chảy của nước, trôi về sông và đi ra biển. Tôi chứng kiến rất nhiều người sáng sớm đi làm một bịch nước dừa, nước mía treo lủng lẳng trên xe. Vậy thì, thay vì dùng bao bì ni lông, hộp nhựa dùng một lần để đựng nước, hãy sử dụng bình giữ nhiệt có thể dùng cả đời, sẽ hơi bất tiện nhưng điều đó giúp hạn chế được bao ni lông thải ra ngoài môi trường. Thay vì khi đi chợ, bạn tay đùm tay xách bao này, bì nọ bằng ni lông, hãy chuẩn bị cho mình một cái túi thật lớn giống như cái làn mẹ đi chợ hồi xưa để có thể dùng đi dùng lại nhiều lần, hay đơn giản như khi mua bất cứ thứ gì đừng xin thêm tứi thứ hai vì “sợ cầm bẩn tay”... Còn rất nhiều thứ “thay vì” nữa mà bạn có thế nhận ra chính trong những thói quen sinh hoạt tưởng như rất đời thường mà bạn có thể làm để góp phần gìn giữ biển quê hương mình.

Bạn và tôi hãy cùng nhau cố gắng để trong mỗi câu chuyện kể của những ngư dân ngày đêm bám biển là hình ảnh dòng nước mát rượi, trong xanh với đàn cá tung tăng bơi lội mà không phải mỗi câu thốt lên “ôi! rác, rác và rác” của họ; để những người lính Hải quân đang làm nhiệm vụ giữ gìn biển đảo quê hương ấm lòng hơn vì sát cánh bên họ là hậu phương sống có trách nhiệm với môi trường biển.

Mong ước này của tôi có thành hiện thực hay không phải bắt đầu từ chính tôi. Cũng như các bạn, nếu yêu biển, muốn có một bãi biển trong lành sạch sẽ, muốn cho biển xanh biển sạch, phải từ chính suy nghĩ và hành động của mình, giữ gìn môi trường ở ngay cạnh chúng ta. Khi mỗi người giữ sạch môi trường quanh mình thì rác làm gì có cơ hội trôi theo suối theo sông ra biển. Có như vậy, dù bạn ở gần biển hay xa biển đều có thể chung tay làm sạch biển.

Nguyễn Thị Trang - (Công ty Concord textile Việt Nam)