Các tỉnh Bắc Bộ sẵn sàng phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó mưa lớn

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:07, 11/05/2022

(TN&MT) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai vừa có Công điện gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố Bắc Bộ về việc chủ động ứng phó với lũ, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng cục bộ.
16.jpg
Trong những ngày qua, nhiều tỉnh Bắc Bộ có mưua lớn, gây thiệt hại về người và tài sản

Theo tin từ Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, từ ngày 11-16/5, các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, trong đó, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Chảy, sông Lô và sông Hoàng Long có khả năng lên mức BĐ1; thượng lưu hệ thống sông Thái Bình và các sông suối nhỏ khu vực Bắc Bộ có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3; đỉnh lũ trên sông Thương tại Phủ Lạng Thương và trên sông Lục Nam tại Lục Nam có khả năng lên mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi Bắc Bộ và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do mưa, lũ và lũ quét, sạt lở đất, ngập úng có thể xảy ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

Các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 02/CĐ-VPTT ngày 10/5/2022 của Văn Phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Các tỉnh, thành phố có đê khu vực Bắc Bộ theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, tổ chức lực lượng và thực hiện công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời ngay từ giờ đầu các sự cố đê điều.

Kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án hộ đê, bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “bốn tại chỗ”. Rà soát các công trình thi công dở dang trong phạm vi bảo vệ đê điều, đặc biệt là các cống dưới đê, đồng thời triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình, đê điều khi xảy ra mưa, lũ. Trường hợp xét thấy không đảm bảo an toàn phải tiến hành hoành triệt ngay để đảm bảo yêu cầu chống lũ.

Đồng thời, tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo thông tin của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, từ 19h/9/5 - 17h/10/5, khu vực Đông Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to, phổ biến từ 100-200mm; riêng Lạng Sơn, Quảng Ninh có điểm mưa >200mm; một số trạm mưa lớn hơn: Dương Huy (Quảng Ninh) 297mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 285mm; Bắc Sơn (Lạng Sơn) 225mm; Bình Gia (Lạng Sơn) 201mm. Mưa đã ngớt từ 12h/10/5.

Tính đến chiều 10/5, mưa lớn đã làm 1 ng chết (ở huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn do sạt lở đất làm sập nhà vào sáng sớm 10/5); 10 nhà sập đổ; 257 nhà bị ngập, thiệt hại (Lạng Sơn: 212; Quảng Ninh: 39; Bắc Kan: 6); 7 trường học bị ngập (Bắc Giang).

Mưa lớn cũng làm 1.775 ha lúa, hoa màu bị ngập. Trong đó Bắc Giang: 200 ha; Lạng Sơn: 1.507 ha; Bắc Kan: 50ha; Hà Giang: 18 ha. Ngoài ra, mưa gây ngập lụt, sạt lở một số tuyến đường giao thông các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Nguyên, Bắc Giang.

Thanh Tùng