Thừa Thiên – Huế: Tập huấn về phòng, chống rác thải nhựa
Môi trường - Ngày đăng : 14:25, 06/05/2022
Với chủ đề “Truyền thông thay đổi hành vi giảm thiểu rác thải nhựa và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rác thải nhựa”, tại buổi tập huấn, các học viên được giảng viên của Ban quản lý Dự án Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam truyền đạt các nội dung như: Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về tác hại của chất thải nhựa; xây dựng giải pháp giảm thiểu tiêu thụ, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải nhựa đến cộng đồng và người dân; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần và tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần trong các hoạt động của cơ quan, đơn vị; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong thu gom, phân loại và tái chế các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì túi nilon...
Tuyên truyền sâu rộng về phong trào “Chống rác thải nhựa” cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên địa bàn huyện; đồng thời, vận động người thân từng bước cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”; tuyên truyền ứng dụng công nghệ trong sản xuất, tái chế rác thải nhựa; hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích phát triển các sản phẩm, có thể phân hủy, tái sử dụng, thân thiện với môi trường… Bên cạnh đó phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rác thải nhựa.
Thông qua buổi tập huấn nhằm tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước và chính quyền về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.
Được biết, Dự án “Huế - Đô thị giảm nhựa miền Trung Việt Nam” được xây dựng với sự tài trợ của WWF- Na Uy (thông qua WWF-Việt Nam) và tiếp nhận bởi UBND TP. Huế nhằm mục tiêu hỗ trợ thành phố bảo vệ các dòng sông và hệ sinh thái các vùng đất ngập nước và ven biển không bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa, thông qua một loạt các biện pháp can thiệp với sự tham gia của các bên liên quan bao gồm các khối công tư, các tổ chức xã hội dân sự và cộng đồng địa phương với mục tiêu giảm 30% lượng thất thoát rác thải nhựa vào năm 2024.