Hội An: Xây dựng cộng đồng du lịch “không rác thải”

Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 14:46, 29/04/2022

(TN&MT) - Vài năm gần đây cụm từ “du lịch xanh” mới trở nên quen thuộc với nhiều người. Thế nhưng, ở Hội An, nhiều năm qua cộng đồng doanh nghiệp đã tiên phong làm du lịch bền vững, không rác thải, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên…. viết nên câu chuyện du lịch xanh của riêng mình.

Nằm bên dòng sông Cổ Cò thơ mộng của phố cổ Hội An, nhiều năm nay Silk Sense Hội An River Resort luôn tái sử dụng những vật dụng thân thiện với môi trường, giảm thiểu tối đa dùng bao bì, hộp nhựa một lần, tận dụng rác để làm phân hữu cơ bón cho cây xanh….Các hoạt động lặp đi lặp lại đã không chỉ giúp cho nhân viên có ý thức tốt trong bảo vệ môi trường mà còn lan tỏa tới cả du khách.

Ông Trần Thái Do, chủ đầu tư của khu resort này cho hay, từ ban đầu Silk Sense Hội An River Resort đã định hướng trở thành khu nghỉ dưỡng chất lượng về du lịch bền vững bằng những việc làm cụ thể. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã chọn loại vật liệu gạch không nung khí chưng áp vừa bảo vệ môi trường vừa tạo sự tiện nghi cho khách hàng. Hệ thống điều hoà được sử dụng trong resort cũng được chu chuyển thành nước nóng phục vụ du khách sử dụng. Tất cả các vật dụng bàn chải đánh răng, lược... trong khu nghỉ dưỡng cũng được thiết kế hoàn toàn bằng tre để phục vụ du khách thay vì sản phẩm nhựa dùng một lần.

dulich.jpg
Lượng rác thải phải thu gom đã giảm đi 40% sau khi áp dụng phân loại rác tại nguồn và thực hiện tái chế rác thải.

Một quản lý Silk Sense Hội An River Resort cho hay, vào mùa cao điểm du lịch nếu không áp dụng phân loại rác tại nguồn và tái chế rác thải thì lượng rác thải ra sẽ rơi vào tầm 7 đến 10 thùng/ngày. Nhưng sau khi áp dụng tái chế rác thải, lượng rác thải ra còn tối đa 3 thùng/ngày. Lượng rác thải do công ty công trình công cộng thu gom giảm đi 40% sau khi áp dụng phân loại rác tại nguồn và thực hiện tái chế rác thải. Ngoài ra, tiền chi cho phân bón cũng giảm 30% sau khi áp dụng việc bón phân được tái chế từ rác thải.

“Dĩ nhiên khi mình thực hành du lịch xanh thì chi phí bỏ ra sẽ tăng lên, tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp nhận được là mang lại ý thức tốt trong bảo vệ môi trường cho nhân viên và cảm xúc tốt cho du lịch. Cái mình quan trọng là ý thức. Tôi cho rằng một khi Quảng Nam vinh danh là điểm đến du lịch xanh thì các doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi trước hết” – ông Do chia sẻ.

dulich1.jpg
Vườn rau hưu cơ hoàn toàn sử dụng phân bón được ủ từ rác thải hữu cơ trồng tại Silk Sense Hội An

Cụm từ “Sống Xanh - Zero West” không còn xa lạ trong hệ thống giá trị cốt lõi và nhận diện thương hiệu của các doanh nghiệp du lịch Hội An. Bắt đầu từ nói không với sự lãng phí; cắt giảm đồ đạc, sống đơn giản; nói không với rác thải nhựa dùng một lần; tái sử dụng, tận dụng hết tính năng của các món đồ vật, tiến đến tái chế sau khi đã phân loại, tạo phân bón cho cây trồng từ rác thực phẩm, thức ăn thừa… là những việc làm được nhiều cơ sở dịch vụ du lịch ở Hội An triển khai, được sự hưởng ứng tích cực của du khách.

Bà Vũ Thị Mỹ Hạnh, quản lý trang trại An Nhiên (Hội An) chia sẻ: Từ năm 2018 với mong muốn bảo vệ môi trường, chương trình “Tái chế xà phòng sạch” và “Vải cho cuộc sống” đã được đơn vị triển khai. Xà phòng thừa từ các khách sạn được xử lý vệ sinh, gọt bỏ lớp bên ngoài, sau đó cắt nhỏ và ép thành cục. Đã có hơn 400 kg xà phòng, khoảng 2 tấn vải trắng dùng một lần ở các khách sạn hạng sang đã được “tái sinh” vòng đời mới, trao tặng lại những nơi cần dùng đến, vừa khắc phục tình trạng các sản phẩm phục vụ du khách bị sử dụng thừa thãi, vừa bảo vệ môi trường. Các khách sạn đối tác phối hợp cũng hết sức khuyến khích duy trì chương trình bởi vừa giảm lượng rác thải phải xử lý vừa tạo được lợi ích cho cộng đồng.

dulich3.jpg
Du khách đến Hội An tham gia tour du lịch vớt rác 

Thực tế cho thấy, từ khi Quảng Nam hình thành và khai thác các mô hình du lịch xanh đã tạo ra không gian trải nghiệm thú vị cho du khách, tạo nguồn thu nhập cho người dân ở nhiều địa phương, giảm được một phần áp lực lên các di sản. Đến nay, Hội An đã có trên 60 doanh nghiệp ký cam kết không rác thải, phấn đấu đến năm 2025 ít nhất 70 - 100 đơn vị có chứng nhận du lịch xanh. Đây là nền tảng để Hội An sớm được công nhận là điểm đến “du lịch xanh”.

Theo ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam: Định hướng "du lịch xanh" là chiến lược phát triển bền vững và định dạng thương hiệu du lịch Quảng Nam trong hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, việc thực hiện không dễ, bởi mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu - dài hạn và thiện chí đồng hành. Hơn thế nữa tác động ngoại lực về cơ chế chính sách cũng rất quan trọng.

"Tái chế, tái tạo cũng là mô hình của nền kinh tế tuần hoàn, kiến tạo một chu trình mới. Sản phẩm du lịch và dịch vụ về thực hành, trải nghiệm tái chế là hoạt động thể hiện sự đóng góp trách nhiệm với môi trường. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp, nhà tổ chức cần kiên định, dám đổi thay và đương nhiên hiệu quả kinh tế thu lại không gấp thời mà lâu bền hơn. Ngoài ra cũng rất cần có chính sách thúc đẩy, hỗ trợ về cơ chế và nguồn lực cho doanh nghiệp đi theo hướng này"- ông Thanh nói. "

Lan Anh