Bình Dương: Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 06:47, 14/04/2022
Kết quả quan trọng
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho biết: Mặc dù, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng đến tất cả các ngành và các lĩnh vực, công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong năm 2021 cơ bản đã hoàn thành theo các chương trình, kế hoạch đã đề ra. Đặc biệt, tất cả các chỉ tiêu về môi trường đều đạt chỉ tiêu mà tỉnh Bình Dương đề ra và đã được Bộ TN&MT đánh giá Bình Dương là 1 trong 5 tỉnh thực hiện tốt công tác quản lý về môi trường.
Trong đó, công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường được tỉnh Bình Dương chỉ đạo thực hiện ngày càng chủ động và mở rộng cả về phạm vi và quy mô, không để phát sinh các điểm “nóng” về môi trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thu phí BVMT đối với nước thải công nghiệp và hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp đầu tư cho BVMT. Đặc biệt, Bình Dương cũng đã thành lập lại Đội công tác liên ngành kiểm tra đột xuất về tình hình chấp hành BVMT của các doanh nghiệp nhằm kịp thời xử lý và hạn chế những hành vi né trách, đối phó của các doanh nghiệp.
Để đẩy mạnh thực hiện các quy định pháp luật về BVMT, nhất là triển khai các nội dung của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Sở TN&MT Bình Dương đã tổ chức viết bài đăng tin trên Cổng thông tin điện tử Sở TN&MT, tóm tắt các điểm mới, nội dung quan trọng của Luật; có văn bản gửi các sở, ban, ngành, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN), chủ đầu tư các khu - cụm công nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp để nghiên cứu áp dụng và in ấn 1.300 tài liệu về Luật Bảo vệ môi trường 2020 để phân phối đến các cơ quan, ban, ngành và các đơn vị có liên quan.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có 29 KCN với diện tích 10.963ha, trong đó có 27 KCN đang hoạt động với tỷ lệ cho thuê đạt 88,13%. Các KCN đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung, có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và camera quan sát. Qua kết quả quan trắc, giám sát cho thấy, tổng lưu lượng nước thải của nước thải từ các KCN là 286.603m3/ngày; các doanh nghiệp trong KCN thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý tập trung tương đối tốt, cơ bản đạt tỷ lệ 100%; nước thải sau xử lý thường xuyên đạt quy chuẩn về môi trường.
Theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 1/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dưới sự kiểm tra, hướng dẫn và xử lý của Sở TN&MT, Phòng TN&MT các huyện, thị, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường này đã ý thức hơn trong công tác BVMT và tiến hành thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm, đến nay đã có 12/12 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng hoàn thành khắc phục ô nhiễm triệt để.
Tính đến cuối năm 2021, tỷ lệ rác đô thị được thu gom đạt 98,2%; tỷ lệ rác công nghiệp không nguy hại được thu gom, xử lý và tái chế khoảng 95%; tỷ lệ chất thải nguy hại và chất thải y tế được thu gom, xử lý và tiêu hủy đạt 100%. Để quản lý hiệu quả chất thải rắn, ngoài 4 khu xử lý chất thải rắn đã được quy hoạch trong đồ án Quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn Bình Dương đến năm 2030 tại Quyết định số 1942/QĐ-UBND ngày 12/8/2013, UBND tỉnh đã bổ sung Nhà máy tái chế và xử lý chất thải - Công ty TNHH Tuấn Đạt vào quy hoạch tổng thể quản lý - xử lý chất thải rắn đến năm 2030 theo Quyết định số 1061/QĐ-UBND ngày 23/4/2018.
Trong năm 2021, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, tỉnh Bình Dương đã điều chỉnh giảm số lượng thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị thuộc kế hoạch năm. Trong năm, Bình Dương đã kiểm tra theo kế hoạch, thanh, kiểm tra 86 đơn vị và kiểm tra theo đột xuất 184 đơn vị, xử phạt vi phạm hành chính 152 đơn vị với số tiền hơn 17,4 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết 253/263 đơn, gồm: 190 đơn tiếp nhận trực tiếp và 73 đơn tiếp nhận qua Tổng đài đường dây nóng 1022, đạt tỷ lệ 96,2%.
Tăng cường quản lý
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Để công tác quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tăng cường và có hiệu quả hơn, Sở TN&MT sẽ kịp thời tham mưu công bố Bộ thủ tục hành chính (TTHC) về lĩnh vực BVMT thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh; tập trung đánh giá, phân tích việc thực hiện chỉ số PAR Index, PCI, PAPI trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường và đề xuất giải pháp; đẩy mạnh giải quyết 100% TTHC trực tuyến mức độ 4; tiếp tục thực hiện “Chính quyền thân thiện, Công sở thân thiện vì nhân dân phục vụ”.
Đồng thời, Sở TN&MT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế chính sách, kế hoạch về BVMT như sửa đổi Quy định BVMT tỉnh Bình Dương; lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, nước mặt trên địa bàn; tổ chức các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về BVMT; tổ chức điều tra, công bố Sách xanh trên địa bàn tỉnh Bình Dương năm 2022; tăng cường thẩm định, cho vay vốn BVMT đối với các dự án thuộc đối tượng; đôn đốc doanh nghiệp có liên quan thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định.
Lãnh đạo Sở TN&MT Bình Dương cho hay: Năm 2022, Bình Dương tiếp tục huy động các nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, vốn vay ODA, vốn của doanh nghiệp cho việc đầu tư, hiện đại hóa cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị để nâng cao năng lực quan trắc, phân tích môi trường; xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm soát ô nhiễm; đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm về ứng phó với BĐKH, thoát nước, thu gom nước thải và xử lý nước thải, chất thải rắn, cải thiện dòng chảy và chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tăng cường công tác thẩm định việc xem xét chủ trương đầu tư các dự án; thực hiện thẩm định cấp giấy phép môi trường theo quy định; triển khai thực hiện Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Kế hoạch BVMT và ứng phó với BĐKH tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 - 2025; tiếp tục kiểm tra, giám sát công tác quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở, ban, ngành kiểm tra, giám sát việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải... tại các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 nhằm đảm bảo điều kiện cho các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 hoạt động ổn định, an toàn.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022 có trọng tâm và trọng điểm; tiếp nhận, giải quyết đơn, nâng cao hiệu quả việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tài nguyên và môi trường đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tránh khiếu nại, khiếu kiện; theo dõi và báo cáo kết quả thực hiện kết luận, xử lý sau thanh, kiểm tra của Trung ương, địa phương, sở, ngành liên quan; tham gia đầy đủ các buổi tiếp dân tại Phòng tiếp dân của UBND tỉnh.
Sở TN&MT Bình Dương cũng sẽ tiếp tục vận hành, khai thác hiệu quả hệ thống các trạm quan trắc tự động nước thải, nước dưới đất, nước mặt tự động và 2 trạm thủy văn Tân Uyên, Lái Thiêu; nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của hệ thống quan trắc nước thải tự động; tập trung triển khai thực hiện Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong lĩnh vực BVMT; nâng cấp hạ tầng cơ sở thông tin, hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu môi trường để tiếp nhận, chia sẻ và công khai các dữ liệu về môi trường đến mọi tổ chức và người dân để được biết và cùng tham gia kiểm tra, giám sát.
Ngoài ra, Sở TN&MT tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các ngành và địa phương trong việc cụ thể hóa nội dung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường; đẩy mạnh thực hiện kế hoạch “tăng trưởng xanh” trong phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội với BVMT, ứng phó với BĐKH; tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa.
Tỉnh Bình Dương cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn và kiện toàn lại hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; triển khai việc đầu tư thêm các Khu liên hợp xử lý chất thải; tiếp tục hợp tác với các tỉnh trong lưu vực sông Đồng Nai triển khai thực hiện bảo vệ lưu vực sông nhằm phát triển bền vững cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; kiểm tra và nhắc nhở các đơn vị có liên quan tăng cường cập nhật các văn bản có liên quan lên Cổng thông tin quản lý môi trường Bình Dương để làm cơ sở tra cứu dữ liệu.