Khẩn trương hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục thiệt hại do mưa lớn

Trong nước - Ngày đăng : 16:15, 01/04/2022

(TN&MT) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai tại cuộc họp khẩn cấp trực tuyến với các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa và các Bộ ngành để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả và ứng phó với mưa lũ diễn ra sáng 1/4.
277111972_3465431623690662_4207390936439334471_n.jpg
Các đại biểu tham dự cuộc họp tài đầu cầu Hà Nội

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh và vùng áp thấp, các tỉnh Trung Bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa đã có mưa to từ 100-200mm (tập trung trong ngày 31/3), một số trạm có lượng mưa lớn hơn như: Khe Tre (T.T.Huế) 352mm, Tà Lương (T.T.Huế) 229mm, Trà Phú (Quảng Ngãi) 225mm, Làng Chồm (Bình Định) 200mm, Sơn Nguyên (Phú Yên) 266mm, Hồ Hoa Sơn (Khánh Hòa) 219mm.

Mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh, sóng lớn tại các tỉnh ven biển từ Thừa Thiên Huế - Phú Yên; gió thực đo lúc 8h30/31/3 tại trạm Tuy Hòa (Phú Yên) đạt 15,1m/s (cấp 7); tại trạm Nhân Lý (Bình Định) cấp 8 lúc 12h/31/3.

Dự báo, từ ngày 1/4 đến 2/4, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên tiếp tục có mưa lớn, trong đó từ Hà Tĩnh - Quảng Ngãi mưa phổ biến từ 150-250mm/đợt, có nơi trên 300mm/đợt; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Lũ các sông Quảng Bình - Bình Định lên mức BĐ1; riêng các sông ở Quảng Ngãi lên mức BĐ1-BĐ2. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông, khu đô thị. Về gió mạnh trên biển, dự báo Vịnh Bắc Bộ gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9; Bắc Biển Đông gió cấp 7, giật cấp 8-9; ven biển Quảng Trị - Cà Mau gió cấp 6-7, giật cấp 8-9.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, mưa lớn, dông lốc, gió mạnh trên biển ngày 31/3/2022 đã làm 2 người mất tích do lốc xoáy khi trên ghe ra lồng bè nuôi tôm hùm để cho tôm ăn (xã An Hòa Hải, huyện Tuy An, Phú Yên); 4 người bị thương do dông lốc (T.T.Huế); 2 nhà sập đổ (Phú Yên), 37 nhà tốc mái, hư hỏng (T.T.Huế 27; Phú Yên 10); 176 ghe, thuyền chìm, hư hỏng (T.T.Huế 7; Bình Định 50; Phú Yên 92; Khánh Hòa 27); 2.450 lồng bè tôm hùm thiệt hại (Phú Yên); 13.484ha lúa, 292 ha hoa màu ngập, ngã đổ (Phú Yên).

“Đây là hình thái diễn biến phức tạp, đa thiên tai, mưa lớn trái mùa kết hợp dông lốc, gió mạnh trên biển, đặc biệt là mưa lũ tương tự năm 2015 tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi (lũ tại Quảng Ngãi lên trên BĐ3)”, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo đánh giá.

276093466_520938246110821_7439890954842733051_n.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu tại cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đánh giá cao công tác dự báo, công tác ứng trực của các Bộ, ngành, địa phương trước diễn biến bất thường của trận thiên tai này. Đánh giá đây là trận thiên tai lớn, gây thiệt hại khá nghiêm trọng về người và tài sản của nhân dân, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương khẩn trương huy động các lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục thiệt hại về thủy sản, sản xuất nông nghiệp; gia cố, bảo vệ diện tích, lồng bè nuôi thủy sản ven biển.

Đồng thời, tăng cường thông tin cho tàu thuyền hoạt động trên biển biết diễn biến gió mạnh trên biển để chủ động kế hoạch sản xuất. Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Thông báo cho các chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thủy, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện, thiết bị và công trình.

Thanh Tùng