Quy định mới nhất về thủ tục và nghĩa vụ tài chính khi chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 16:09, 01/04/2022

(TN&MT) - Bạn đọc Nguyễn Minh Khuê (Phúc Thọ - Hà Nội) hỏi: Do điều kiện gia đình đông con, thiếu chỗ ở, gia đình tôi muốn chuyển một phần đất nông nghiệp sang đất ở để chia cho các con. Xin hỏi, thủ tục chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở theo quy định mới nhất năm 2022 như thế nào? Gia đình tôi phải nộp những loại tiền gì?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 57 Luật Dất đai 2013, việc chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (hay còn gọi là đất thổ cư) thuộc trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Theo đó, khi chuyển mục đích sử dụng đất phải căn cứ vào: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của UBND quận ( huyện) nơi có đất nông nghiệp đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Người dân nên chủ động trực tiếp lên UBND (quận) huyện để hỏi rõ về kế hoạch sử dụng đất hàng năm của huyện mình, để xem địa phương mình đang có đất nông nghiệp có nằm trong diện quy hoạch không và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn chuyển mục đích sử dụng đất.

chuyen-muc-dich-su-dung-dat.jpg
Ảnh minh họa

Thủ tục, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất

Theo quy định hiện hành, người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất phải nộp 1 bộ hồ sơ, gồm có: Đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất; Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất theo Mẫu số 09/ĐK ban hành kèm Thông tư 24/2014/TT-BTNMT; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Sau khi bạn nộp hồ sơ, cơ quan tài nguyên và môi trường sẽ có trách nhiệm: Thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; Hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình UBND cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

Các khoản tiền phải nộp

Người sử dụng đất khi được cơ quan Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Cụ thể, người sử dụng đất nộp bằng 50% chênh lệch giữa tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp hộ gia đình, cá nhân: Chuyển từ đất vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư không được công nhận là đất ở sang làm đất ở theo quy định tại Khoản 6 Điều 103 Luật Đất đai sang làm đất ở; chuyển từ đất có nguồn gốc là đất vườn, ao gắn liền nhà ở nhưng người sử dụng đất tách ra để chuyển quyền hoặc do đơn vị đo đạc khi đo vẽ bản đồ địa chính từ trước ngày 1/7/2004 đã tự đo đạc tách thành các thửa riêng sang đất ở.

Trường hợp chuyển từ đất nông nghiệp được Nhà nước giao không thu tiền sử dụng đất sang đất ở, người chuyển mục đích phải nộp tiền sử dụng đất bằng mức chênh lệch giữa thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở với thu tiền sử dụng đất tính theo giá đất nông nghiệp tại thời điểm có quyết định chuyển mục đích của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định.

Lưu ý, giá đất tính thu tiền sử dụng đất sẽ là giá đất quy định tại Bảng giá đất khi ưu đãi về giá đất tính tiền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở.

Đặc biệt, người sử dụng đất sẽ được miễn hoặc giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở khi chuyển mục đích sử dụng sang làm nhà ở khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu do tách hộ đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi.

Báo TN&MT