Những nút thắt cần được gỡ trong phòng, chống COVID-19 tại TP.HCM

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:19, 31/01/2022

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh trong cộng đồng, đặc biệt với sự xuất hiện của biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh đã buộc TP.HCM phải áp dụng nhiều biện pháp phòng chống, dịch chưa từng có tiền lệ để thực hiện mục tiêu ưu tiên là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân. Công tác phòng, chống dịch của Thành phố đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng bộc lộ những vướng mắc trong việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch.

Đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch

Theo báo cáo của TP.HCM, dưới sự lãnh đạo thống nhất của các Bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND Thành phố đã kịp thời ban hành và triển khai những quyết sách đặc thù phục vụ phòng, chống dịch, phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Thành phố đã triển khai việc rà soát cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% tiết kiệm chi thường xuyên, điều chỉnh giảm hệ số thu nhập tăng thêm theo cơ chế đặc thù của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn để tập trung nguồn lực cho công tác phòng chống dịch. Đồng thời, chủ động rà soát các nguồn lực tài chính hợp pháp để bổ sung nguồn cho công tác phòng chống dịch.

Bên cạnh đó, thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã tiếp nhận sự đóng góp, hỗ trợ từ các tỉnh, thành phố và các tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước để bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

12.jpeg
Công tác phòng, chống dịch của Thành phố đạt được những kết quả quan trọng. Ảnh minh họa

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt đó, năm 2021, Thành phố đã cân đối và bố trí từ ngân sách Thành phố cho công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ của trung ương và đặc thù của địa phương là hơn 18.257 tỷ đồng; tương đương 45,18% dự toán chi thường xuyên 2021.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 66/QĐ-TTg về hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19; theo đó, Thành phố được hỗ trợ số tiền 2.000 tỷ đồng.

Ngày 20/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1415/QĐ-TTg về việc xuất cấp gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho các tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19; theo đó, cấp cho Thành phố 71.000 tấn gạo để hỗ trợ cho người dân. Thành phố đã tiếp nhận và thực hiện phân phối đến người dân trong thời gian sớm nhất.

Cùng với đó, thông qua Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19, Thành phố đã tiếp nhận hơn 4.349 tỷ đồng (gồm tiền mặt và hiện vật), trong đó phương tiện, vật tư, trang thiết bị y tế có giá trị trên 2.741 tỷ đồng. Thành phố đã hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch; các bệnh viện điều trị COVID-19, các khu cách ly tập trung; hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ lao động nghèo trong các khu phong tỏa, khu lưu trú công nhân, khu nhà trọ, khu lao động nghèo đang gặp khó khăn do dịch COVID-19; hỗ trợ Nhân dân các nước Campuchia, Lào và các tỉnh thực hiện phòng, chống dịch COVID-19… với số tiền 3.975 tỷ đồng.

Với phương châm “không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc”, Trung tâm An sinh đã thực hiện hỗ trợ trên 2 triệu túi an sinh xã hội cho người dân trên địa bàn Thành phố. Chương trình SOS của Trung tâm An sinh Thành phố đã hỗ trợ trên 14.400 phần quà cho các trường hợp cứu trợ khẩn cấp.

“Vướng” trong huy động và sử dụng các nguồn lực

Bên cạnh những kết quả nêu trên, báo cáo của TP HCM cũng chỉ rõ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện việc huy động và quản lý sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, ngoài việc cân đối cho các chính sách chi cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ do Thành phố ban hành, Thành phố còn phải chủ động bố trí và cân đối kinh phí thực hiện các chính sách do Trung ương ban hành. Với mật độ dân số đông, mức độ ảnh hưởng rộng, tổng nhu cầu chi cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách hỗ trợ trên địa bàn tăng cao. Bên cạnh đó, Thành phố vẫn phải đảm bảo cân đối các nhiệm vụ phát sinh khác. Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ trong việc xác định nhu cầu chi, rà soát, sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên để dành nguồn cho những khoản chi cấp thiết. Tuy nhiên, với nguồn lực có hạn, Thành phố rất cần sự hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện các chính sách phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên địa bàn.

Mặt khác, nhiều trường hợp phát sinh theo yêu cầu thực tế nhưng chưa được quy định, Thành phố phải báo cáo, xin ý kiến hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cơ chế, phương thức thực hiện để tháo gỡ vướng mắc phát sinh. Điển hình như quy trình mua sắm, giá mua sắm, định mức sử dụng vật tư y tế, cũng như lương nhân viên tại các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị COVID-19 phục vụ người dân không thể thực hiện theo các quy định hiện hành; trong giai đoạn cao điểm, nhiều bệnh viện đã chuyển đổi một phần hoặc toàn bộ sang bệnh viện điều trị COVID-19 và không được tiếp nhận các bệnh khác để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch nên đơn vị giảm đáng kể nguồn thu dịch vụ, nguồn thu sự nghiệp nhưng không có quy định hỗ trợ trong trường hợp này...

Trong bối cảnh phương án phòng, chống dịch phải thay đổi linh hoạt theo mức độ dịch bệnh, đối tượng hỗ trợ thay đổi, phải ban hành thêm các chính sách hỗ trợ. Theo quy định, việc ban hành các chính sách phải thông qua HĐND Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố. Các sở, ngành Thành phố đã chủ động đề xuất, tham mưu UBND Thành phố trình HĐND Thành phố ban hành các chính sách chi, hỗ trợ đặc thù của Thành phố nhưng nhìn chung vẫn có độ trễ nhất định.

Theo TP.HCM, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng, đối tượng hỗ trợ và kinh phí phòng, chống dịch không ngừng gia tăng. Trong khi đó, một số nguồn chi hạn chế nội dung chi (chi từ số dư nguồn cải cách tiền lương chỉ được chi thực hiện các chính sách an sinh mà không chi cho công tác chống dịch), tỷ lệ chi bị khống chế (quỹ dự trữ tài chính chỉ chi tối đa 70% số dư đầu năm, nguồn dự phòng tối đa 50% cho chống dịch, tối đa 50% cho hỗ trợ). Vì vậy, việc bổ sung chính sách chi, gia tăng đối tượng chi ngoài dự kiến tạo áp lực lớn cho ngành tài chính trong việc cân đối, bố trí sử dụng nguồn phù hợp với nội dung chi phát sinh.

Công tác thống kê, báo cáo tình hình tiếp nhận, quản lý và phân phối hàng hóa tại các kho do cơ quan Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức tiếp nhận, lưu kho đôi lúc chưa được cập nhật kịp thời; việc thống kê, lập chứng từ, sổ sách theo dõi hàng hóa đôi lúc còn lúng túng do nhiều yếu tố khách quan như nhân sự mỏng và cán bộ quản lý kho chưa qua các lớp đào tạo, tập huấn; áp lực giữa khối lượng công việc và thời gian gấp rút; việc ước giá trị hàng hóa ở một số mặt hàng còn gặp nhiều khó khăn.

Thanh Tùng