Thích ứng tương lai
Xã hội - Ngày đăng : 14:06, 13/01/2022
Biến đổi khí hậu, suy thoái hệ sinh thái tự nhiên, đại dịch Covid-19 đã trở thành “khủng hoảng kép”, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống, sản xuất kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Nguyên nhân xuất phát từ mô hình phát triển thiếu bền vững kéo dài hàng thế kỷ của nhân loại, làm suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên, làm cho khí hậu biến đổi nhanh với cường độ cao.
Chính vì vậy, chưa bao giờ môi trường, khí hậu được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong Chương trình Nghị sự của các cấp từ Liên Hợp Quốc cho đến Nguyên thủ quốc gia các nước như trong năm 2021. Sự phát triển của các quốc gia phải nhằm làm giảm lượng tiêu thụ quá mức, thiết lập lại hài hòa giữa con người với thiên nhiên, tạo nên phát triển bền vững của nhân loại.
Vườn Quốc gia Pù Mát (ảnh minh họa) |
Trái đất phải có quyền tồn tại, quyền duy trì các chu kỳ sống, quyền được tái sinh và phát triển. Các quốc gia cần góp phần tái lập sự hài hòa với thiên nhiên, hạn chế quá trình sa mạc hóa, hạn chế nạn phá rừng và hủy hoại đa dạng sinh học... Sống hài hòa với thiên nhiên nghĩa là dựa vào thiên nhiên để sống, chứ không phải áp đặt thiên nhiên.
Không nằm ngoài quỹ đạo vận động của thế giới, tại Việt Nam, phát triển bền vững đã được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định là mục tiêu chiến lược, lâu dài. Không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế là một trong những mục tiêu đã và đang được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hiện thực hóa bằng một loạt hành động, trong đó, có Kế hoạch Hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.
Trên tinh thần hành động đó, ngành TN&MT đã và đang có nhiều quyết sách lớn thực hiện sứ mệnh quan trọng của mình nhằm góp phần bảo vệ tài nguyên, phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường trong lành cho người dân, đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Toàn ngành TN&MT đã đoàn kết, thống nhất, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, bài bản và khoa học các nhiệm vụ, giải pháp, chủ động hóa giải, "biến nguy thành cơ", phát huy các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho phát triển bền vững đất nước.
Điều đặc biệt đáng lưu ý là về thể chế chính sách. Toàn ngành đã chuyển từ bị động khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết sang chủ động tham mưu giải quyết các vướng mắc, gỡ bỏ điểm nghẽn, rào cản về cơ chế, chính sách, qua đó, giải phóng nguồn lực tài nguyên cho phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân.
Một trong những nhiệm vụ trong năm 2022 và những năm tiếp theo được toàn ngành TN&MT đặt ra là thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong thập kỷ phát triển bền vững; triển khai các giải pháp đột phá nhằm tận dụng các cơ hội hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đón đầu dòng vốn đầu tư vào hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi mô hình phát triển và chuyển đổi năng lượng.
Đời sống kinh tế - xã hội thế giới đang thay đổi nhanh chóng, “luật chơi mới” về đầu tư, thương mại đã hình thành sau Hội nghị COP26. Hơn ai hết, ngành TN&MT cần quyết tâm thống nhất về nhận thức để tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động; tiên phong trong thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu để tạo sức thuyết phục và lan tỏa trong toàn xã hội.