Quảng Nam: Một năm sau thiên tai, các con đường sạt lở ở vùng cao vẫn ngổn ngang

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 23:09, 10/12/2021

(TN&MT) - Một năm kể từ ngày xảy ra các trận lũ quét, sạt lở vào cuối tháng 10/2020, tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, hệ thống giao thông bị phá hủy gần như hoàn toàn vẫn còn ngổn ngang, khiến cho việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn.

Mùa mưa lũ năm nay, người dân huyện miền núi Phước Sơn gần như không thể đi lại trên các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đi vào các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc (huyện Phước Lộc) do lo ngại sạt lở.

Hơn 1 năm kể từ trận sạt lở kinh hoàng, vùi lấp tất cả, các tuyến đường này đến bây giờ vẫn còn khá ngổn ngang đất đá lởm chởm không khác gì sông suối. Nhiều đoạn, hai bên đường hàng trăm khối đất đá trên đỉnh núi vẫn còn “chực chờ” đổ xuống mỗi khi có mưa lớn khiến người dân vô cùng bất an khi lưu thông. Một số đường tạm được mở để người dân có thể đi lại bằng các phương tiện thô sơ như xe máy, xe đạp.

Sau trận thiên tai cuối năm 2020, các tuyến đường huyết mạch ở huyện vùng cao Phước Sơn bị tàn phá nặng nề

Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, hệ thống giao thông của huyện được đầu tư sau hơn 20 năm gần như bị xóa xổ trước sức tàn phá khủng khiếp của thiên tai. Trước mưa bão, địa phương đã xây dựng các phương án bố trí phương tiện, lực lượng sẵn sàng ứng cứu, khắc phục khi có các tình huống xảy ra.

Trả lời cho việc chậm thi công, sửa chữa, ông Trung cho hay: Kinh phí xây dựng 3 tuyến đường huyết mạch lên các xã vùng cao Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc cộng với 2 chiếc cầu khoảng gần 500 tỉ đồng. Vì kinh phí quá lớn nên những công trình này phải làm theo Luật đầu tư công ít nhất phải mất 406 ngày, từ khâu đề xuất chủ trương đầu tư cho đến chọn được nhà thầu.

Nguy hiểm rình rập người dân khi lưu thông trên các cung đường vùng cao Quảng Nam

Huyện đã tích cực, khẩn trương đôn đốc các khâu hồ sơ nhưng cũng chỉ rút ngắn còn khoảng 270 ngày. Mặc dù đã giảm ½ thời gian nhưng vẫn còn chậm so với nhu cầu bức thiết đi lại của người dân.

“Thủ tục của đầu tư công thì phải đảm bảo đầy đủ các bước. Cùng với địa hình địa chất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở như hiện nay, địa phương đã yêu cầu các cơ quan tư vấn lập thiết kế dự án phải làm kỹ gồm có đánh giá thuỷ văn, khoan cắt địa hình, bán taluy,.. không thể làm 5-7 ngày là được.”- ông Trung cho hay.

Ông Trung thông tin thêm, đến thời điểm hiện nay, đoạn DH 1 đi Phước Thành có tổng mức vốn đầu tư là 150 tỷ đã được địa phương thông báo đấu thầu trên mạng từ 5 ngày nay. Khi nào chọn được đơn vị thầu thì huyện sẽ nhanh chóng sẽ bàn giao mặt bằng để triển khai ngay. Trong quá trình triển khai, địa phương yêu cầu các đơn vị thi công phải san gạt mặt bằng an toàn để đảm bảo đi lại an toàn cho bà con.

Tại những khu vực nguy hiểm, chính quyền địa phương đã cho cắm biển cảnh báo

Một đoạn đường bị đứt gãy hoàn toàn sau đợt mưa lũ cuối năm 2020

Sạt lở trên núi luôn thường trực mỗi khi mưa xuống khiến việc lưu thông qua lại của người dân gặp không ít khó khăn

Các tuyến đường huyết mạch lên các xã vùng cao vẫn còn khá ngổn ngang đất đá lởm chởm không khác gì sông suối.

Người dân rất mong chính quyền khẩn trương sữa chữa các tuyến đường giao thông huyết mạch để đảm bảo đi lại

Nhiều vị trí phía dưới mặt đường bị khoét sâu tạo thành hàm ếch, chưa biết sẽ sụt lún bất cứ lúc nào

Những tảng nhựa đường bong tróc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn

Lan Anh